“Số người chết vì TNGT hoàn toàn có nguy cơ bùng phát”

1250

“WHO đánh giá tình trạng TNGT tại Việt Nam nằm trong tình hình chung của các nước đang phát triển là hoàn toàn đúng. Mỗi năm ta có khoảng 11.500 người chết vì TNGT, con số này ở mức trung bình nhưng có nguy cơ dễ bùng phát” – Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Với mục tiêu thập kỷ của toàn cầu là giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ (TNGT), hướng đến một cộng đồng an toàn, thân thiện và không tại nạn, bên lề Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2011 – 2020” của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hôm qua 11/5, PV Dân trí đã ghi lại những trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng về những giải pháp thực hiện trong 10 năm tới.

Thưa Bộ trưởng, TNGT đường bộ được xác định là vấn đề lớn, vậy đến bao giờ thì mọi người mới hết ám ảnh về TNGT, đặc biệt là TNGT thảm khốc?

Đến bao giờ người dân Việt Nam mới hết ám ảnh về TNGT thì tôi không thể trả lời được.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó cụ thể là Nhật Bản. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, TNGT ở Nhật Bản cũng tương tự như ở nước ta hiện nay.

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra con số trong những năm 70, số người chết vì TNGT tại nước này lên tới 17.000 người/năm. Họ đã phải phát động những cuộc chiến chống lại TNGT trong vòng 20 năm để đến những năm 90 thì số người chết vì TNGT mới ổn định ở mức từ 6.000 – 7.000 người/năm.

Nói như vậy để thấy rằng việc giảm thiểu TNGT hoàn toàn không đơn giản. Để giải quyết được vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của toàn xã hội. Tôi hi vọng chúng ta có hành động, có nỗ lực làm thì chúng ta cũng sẽ đạt được kết quả.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng (ảnh: Việt Hưng)

Trong tình hình an toàn giao thông (ATGT) tại Việt Nam đang nhức nhối và có nhiều bất cập, theo Bộ trưởng trong 10 năm nữa mục tiêu giảm thiểu số tử vong từ 13/100.000 dân xuống 8/100.000 dân ở Việt Nam có thể thực hiện được không?

Con số các tổ chức quốc tế đưa ra để nói về mức giảm TNGT gồm 3 mức độ là giảm tuyệt đối, giảm trên 100.000 dân và giảm trên 10.000 phương tiện.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng phải so sánh dựa trên những con số này mới toàn diện, vì số lượng phương tiện của chúng ta tăng (trong 4 năm, số lượng phương tiện của cả nước tăng từ 22 triệu lên 33 triệu – PV), nhưng tính trên 10.000 phương tiện thì TNGT ở nước ta giảm khá nhiều.

Trong Chiến lược đảm bảo ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đưa ra so sánh trên 100.000 dân, hiện nay số người chết vì TNGT ở nước ta là 13/100.000 dân và trong 10 năm nữa chúng ta đặt mục tiêu giảm xuống 8 người chết/100.000 dân. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ thực hiện được.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá TNGT ở Việt Nam nằm trong tình trạng chung của các nước đang phát triển và có nguy cơ tăng cao, Bộ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?

Đánh giá của WHO là hoàn toàn đúng, đây cũng là hiện tượng của các nước đang phát triển trên toàn thế giới.

Chúng ta thấy rằng con số khảo sát thế giới có 1,3 triệu người chết vì TNGT/năm thì trung bình mỗi quốc gia có khoảng 13.000 người chết/năm, ở Việt Nam là 11.500 chết/năm, con số này là mức trung bình nhưng rất nghiêm trọng và hoàn toàn có nguy cơ bùng phát, dễ bùng phát.

Bởi thế mà Liên Hợp Quốc mới ra tuyên ngôn về phát động “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu 2011- 2020”.

Thống kê TNGT gây chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm nhái không đảm bảo an toàn là rất lớn, trong khi đó báo cáo gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy không có chế tài xử phạt về loại mũ này. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?

Đúng là có 1 hiện tượng đang xảy ra như vậy. Tôi muốn nói tới ý thức bảo vệ chính mình của người tham gia giao thông về vấn đề này, tại sao không chọn lựa mũ bảo hiểm đảm bảo an toàn? Tại sao lại ham rẻ vì mục tiêu đối phó với luật?

Phía cơ quan quản lý cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra kiểm soát tình hình nhằm tăng cường đảm bảo ATGT. Bộ GTVT sẽ có những ý kiến kiến nghị về vấn đề này.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu TNGT trong vòng 10 năm
Một trong những nội dung vì mục tiêu thập kỷ toàn cầu là phải đảm bảo an toàn phương tiện, tuy nhiên nghiên cứu mới đây cho thấy trong 10 năm tới phương tiện chủ yếu ở Việt Nam vẫn xe máy, vậy với đặc điểm này thì Bộ GTVT đã có những giải pháp nào để đảm bảo sự an toàn?

Theo báo cáo cáo của WHO, hàng năm có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT đường bộ, gây thiệt hại về tiền của lên tới 500 triệu USD.

Về vấn đề ATGT, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu cho biết: số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) sẽ tăng 65% trong vòng 20 tới và chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển. TNGT sẽ là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến gánh nặng bệnh tật và thương tích toàn cầu vào năm 2020 nếu không có cam kết mới để phòng tránh tai nạn.

Đúng là trong 10 năm nữa chúng ta vẫn sống chung với xe máy. Giao thông tại Việt Nam là hỗn hợp, trong đó xe máy chiếm số lượng lớn nhất.

Chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ về mặt hạ tầng và phương tiện.

Trong đó, các đường cao tốc mới phải thiết kế xây dựng đường gom cho xe máy; còn các hệ thống giao thông hiện tại chưa có điều kiện nâng cấp, xây mới thì khi tổ chức giao thông phải làm được việc đường làn đường dành riêng cho xe máy. Ngoài ra, phải tuyên truyền vận động cho người đi xe máy tuân thủ đi trên đúng làn đường của mình

Ngoài ra, phải đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân.

Hiện các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội (5 tuyến) và TPHCM (6 tuyến) đang được đầu tư xây dựng là những hướng để tập trung vào phát triển giao thông công cộng.

Thực tế, việc này phải có lộ trình chứ không thể làm được trong ngày 1 ngày 2, những câu chuyện phải cấm phương tiện thế này thế khác theo tôi là không khả thi.   Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

(Sưu tầm)