Có nhiều ý kiến cho rằng khi có bằng lái ô tô, đồng nghĩa họ được phép sử dụng xe máy và khi bị lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra thì cả 2 loại bằng đều có thể thay thế cho nhau! Liệu việc này là đúng hay sai?
Giấy phép lái xe được xem là chứng chỉ cấp cho người lái xe hay còn gọi là người điều khiển xe cơ giới được phép lái một hoặc vài loại xe cơ giới.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Giao thông Đường bộ, người lái xe khi tham gia giao thông phải đáp ứng đủ sức khỏe theo quy định, đủ độ tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Xe ô tô và xe máy là 2 loại phương tiện cơ giới khác nhau nên khi điều khiển phương tiện nào, người lái xe phải có giấy phép lái xe phù hợp loại xe đó; không thể dùng giấy phép lái xe ô tô thay thế cho bằng lái xe máy.
Tuy nhiên có trường hợp người lái xe có đủ điều kiện điều khiển nhiều loại xe cơ giới thì có thể gộp chung các loại bằng thành một Giấy phép lái xe, nhưng việc sử dụng chung gây bất tiện khi bị tạm giữ giấy phép lái xe hoặc mất giấy phép lái xe,…
Các mức phạt được áp dụng theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP:
– Trường hợp khi người điều khiển xe hai bánh các loại nhưng không xuất trình được Giấy phép lái xe tương ứng thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 – 120.000 đồng; áp dụng theo điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
– Trường hợp người điều khiển xe mô tô dung tích xi-lanh dưới 175 phân khối hoặc các xe máy tương tự xe mô tô nhưng không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép không do cơ quan thẩm quyền cấp) sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng; áp dụng theo khoản 5 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
– Trường hợp người điều khiển xe mô tô có dung xi-lanh từ 175 phân khối trở lên nhưng không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép không do cơ quan thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe điều khiển và Giấy phép hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng; áp dụng theo Điểm a, b khoản 7 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Các mức phạt được áp dụng theo Nghị định 100/2019
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành, tùy thuộc vào loại xe mà người này điều khiển là xe máy, xe mô tô, xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo hay loại xe nào khác thì người này sẽ bị xử phạt với lỗi không có GPLX với mức xử phạt cụ thể như sau:
Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:
Điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100, đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô không có GPLX thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 800.000 – 1,2 triệu đồng. Còn đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên mà không có GPLX phù hợp sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 3 – 4 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe ô tô không có GPLX ô tô phù hợp với phương tiện đang điều khiển thì căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100, người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 4 – 6 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không có GPLX khi tham gia giao thông, không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người chủ phương tiện có hành vi giao xe hoặc để cho người không có GPLX phù hợp với loại xe tham gia giao thông đường bộ cũng bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 4, điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100 với mức phạt tiền như sau:
Đối với phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân bị phạt tiền từ 800.000 – 2 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt với mức từ 1,6 – 4 triệu đồng.
Đối với phương tiện là xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, chủ phương tiện nếu là cá nhân sẽ bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt từ 4 – 8 triệu đồng.
Mức xử phạt lỗi không mang theo GPLX
Điều 21 Nghị định 100, mức xử phạt đối với lỗi không mang theo GPLX khi tham gia giao thông đường bộ được xác định như sau:
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không mang theo GPLX thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100 với mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo GPLX thì căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100, họ sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.