Bạn có biết điểm mù khi lái xe là thế nào, và làm sao thể giảm thiểu hoặc hạn chế không?
Thú thực là cũng phải sau khi học, lấy bằng, và lái xe được một thời gian tôi mới ý thức được về khái niệm này. Còn khi học trong trường thì các thầy hình như không nhắc tới, hay có khi nói qua loa nên tôi cũng chẳng nhớ gì cả. Cứ lên xe là phi thôi.
Khi cầm vô lăng ngoài đời thực, nhiều lần tôi giật mình khi bỗng dưng có chiếc xe máy hay ô tô nào đó tự dưng ở đâu thò ra cái vèo. Tôi mới nghĩ hình như có gì đó mình chưa biết. Và lúc đó nhận thấy rõ hơn: đi ô tô góc nhìn khác xe máy. Khi tìm hiểu mới biết, đó là do phạm vi sát của ô tô có nhiều hạn chế hơn xe máy, hay xe đạp.
Hạn chế thế nào?
Khi đi xe 2 bánh, cũng gần như đi bộ, ta có thể quan sát được khá thuận tiện phía trước và 1 phần hai bên cạnh sườn. Phần phía sau thì có thể nhìn gương chiếu hậu (với xe máy), hoặc ngoái đầu sang nhòm (với xe đạp di chuyển tốc độ chậm). Thêm vào đó, khi đi xe “mui trần”, tiếng động cơ xung quanh cũng gây ra sự chú ý nhất định: nghe tiếng động cơ nổ bạch bạch bên cạnh thì chẳng nhìn cũng đã biết có ông xế nổ đến gần rồi (xe đạp điện gần đây lại là một ngoại lệ khá nguy hiểm). Thành ra, cảm giác về không gian và chướng ngại vật xung quanh khá dễ dàng hơn với người đi xe 2 bánh..
Nhưng với xe hơi thì khác thật. Thứ nhất, ngồi trong xe kéo kính lên là có thể được cách âm khá tốt, cảm giác về tiếng ồn xung quanh giảm đáng kể, nhất là với xe xịn. Kính màu tối nên cũng giảm khả năng quan sát ít nhiều. Thế nên, tài xế nhận biết các phương tiện cơ giới đi gần cũng không được nhạy bén bằng khi đi 2 bánh.
Thêm vào đó, ngồi trên ô tô tưởng dễ quan sát nhưng thực tế thì ngược lại. Có nhiều góc nhìn bị chắn do xe có kết cấu hộp và một số góc nhìn bị che khuất bởi cột góc của xe, hay khoảng trống bỏ sót giữa các gương chiếu hậu. Và những chỗ không quan sát được đó tạo nên điểm mù khi lái xe. Đó cũng nguyên nhân chính của những gì chúng ta ta không quan sát được khi lái ô tô.
Vậy, tóm lại…
Điểm mù của xe ôtô là gì?
Đó là vùng không gian mà lái xe không quan sát được khi ngồi ở tư thế lái bình thường, không xoay đầu hoặc nghiên người, kể cả có sự trợ giúp của gương chiếu hậu.
Nói cách khác đó là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất, không nằm trong tầm nhìn của tài xế.
Theo tôi gọi là điểm mù thì có vẻ chưa rõ nghĩa nắm, vì đó không phải là điểm. Có lẽ phải là vùng mù hay vùng điểm mù thì hợp lý hơn. Nhiều khả năng, mọi người quen dùng với thuật ngữ điểm mù của mắt, nên cứ dùng cho tiện.
Điểm mù của xe ô tô xuất hiện tại một số vị trí, cụ thể như sau:
1.Điểm mù do cột A che khuất tầm nhìn.
Cấu trúc của xe có hệ thống các cột đỡ chia thành từng cặp, được gọi là cột A, B, C, D bố trí từ trước ra sau tạo kết cấu vững chắc cho vỏ xe. Tùy dòng xe mà số lượng cột có thể khác nhau. Các bác có thể xem hình minh họa dưới đây.
Các cột trên xe ôtô
Nhưng chính những cột đỡ này lại tạo các điểm mù gây khuất tầm nhìn của người lái.
Ở vị trí tài xế, nếu quay đầu nhìn 4 phía bằng mắt (không nhìn gương) thì những điểm mù không thấy do các cột gây ra như hình tiếp phía dưới. Trong đó vùng màu trắng là vùng điểm mù.
Các điểm mù do cột xe gây ra
Tuy vậy, nhờ trên xe có trang bị gương chiếu hậu, nên gần như loại trừ được ảnh hưởng của các cột B, C, D.
Nhưng vẫn còn cột A nằm ngay 2 bên kính chắn gió phía trước. Cột A cản trở đáng kể góc nhìn của người cầm lái, và tạo điểm mù khá lớn ở hai góc chéo phía trước xe.
Các nhà sản xuất cũng tìm cách phát triển công nghệ để loại trừ, hoặc giảm thiểu điểm mù do cột A gây ra. Nhưng với những xe bình dân phổ biến hiện nay ở Việt Nam, thì tôi cũng chưa thấy có gì cải thiện. Các xe vẫn có cột A, thậm chí với mẫu xe theo kiểu dáng thể thao còn có cột A lớn hơn bình thường. Có lẽ đây là vấn đề cần giải quyết của công nghệ trong tương lai.
2. Điểm mù do gương chiếu hậu không bao quát hết
Như tôi đã nói ở trên, xe hơi được trang bị gương chiếu hậu để giảm ảnh hưởng của các cột ở giữa và cuối xe đến phạm vi quan sát.
Tuy nhiên, gương chiếu hậu cũng không thể loại trừ được hết điểm mù 2 bên phần hông xe. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể chỉnh gương vào vị trí phù hợp để giảm thiểu phạm vi của những điểm mù này. Xem thêm bài Cách chỉnh gương chiếu hậu xe ô tô.
Các điểm mù khi lái xe
3. Những điểm mù khác:
Ngoài 2 loại điểm mù phổ biến nêu trên, các bác sẽ thấy còn những vùng không gian khác mà ta cũng không nhìn thấy từ vị trí ghế lái, và như vậy nên tôi cũng liệt kê vào dạng điểm mù khi lái xe.
Trong số dưới đây, thực ra một số điểm mù không gây nguy hiểm nhiều lắm, các bác chỉ cần biết cho vui cũng được.
- Vùng sát xung quanh xe: khi tiến hay lùi xe, sẽ có một vùng hẹp ngay sát trước và sau xe ta không nhìn thấy được, kể cả có camera tiến hoặc lùi. Và khi không thấy được, mà có thể gây nguy hiểm, thì cũng giống như điểm mù rồi. Đang ở ngoài bước vào xe, mà không quan sát, cứ tiến hay lùi luôn là cũng dễ húc vào gạch đá lắm.
- Phần bị gương chiếu hậu che khuất, phần này nhỏ lại nằm ngay gần cột A, nên có thể gộp chung vào với điểm mù do cột A gây ra.
- Phân dưới gầm: đây đúng là “mù” thật vì không nhìn thấy, mà tôi cũng chưa thấy có xe nào trang bị camera soi gầm thì phải. Những gì đã ở dưới gầm xe là coi như “sự đã rồi”, có thấy chắc cũng chẳng thay đổi gì được nữa.
- Phần trên nóc: xe chỉ di chuyển theo phương ngang, song song với mặt đường, nên phần “mù” này không ảnh hưởng gì mấy đến hòa bình thế giới.
Cách hạn chế điểm mù khi lái xe
Tôi xin nêu dưới đây một số cách hạn chế điểm mù khi lái xe để các bác tham khảo:
- Với điểm mù phía trước xe (do cột A gây ra)
- Rướn người lên phía trước, hoặc nghiêng sang bên phải hoặc trái để nhìn
- Quan sát trước từ xa để có cảm nhận về rủi ro sắp tới, như một chiếc xe đi ngược chiều sắp vào điểm mù thì đã được các bác nhận biết trước, và không bị bất ngờ.
- Với điểm mù 2 bên hông xe (không quan sát được qua gương chiếu hậu)
- Điều chỉnh gương chiếu hậu một cách phù hợp. Xem bài Điều chỉnh gương ô tô.
- Quay đầu qua vai để quan sát mỗi khi cần rẽ, chuyển làn
- Với những điểm mù khác nằm ở gầm, nóc, sát mũi hoặc đuôi xe: Cách loại trừ đơn giản và an toàn nhất là các bác chịu khó ra khỏi xe để kiểm tra bằng mắt thường. Chẳng hạn: xem có tảng đá nào nằm ngay trước mũi, hoặc ngay đuôi xe mà vô tình không để ý hay không. Khi chắc chắn không có rủi ro nào, mới cho xe chuyển bánh – vậy là yên tâm.
Trong bài viết này tôi đã trình bày chi tiết về điểm mù khi lái xe ô tô và cách hạn chế ảnh hưởng của những điểm mù này. Hy vọng các bác tìm thấy thông tin bổ ích, và chúc các bác lái xe an toàn.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI CÔNG TY LUẬT DRAGON Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long |
Tư vấn và cung cấp dịch vụ |
Mức xử phạt các lỗi Cấp lại giấy phép lái xe Cấp lại biển số xe Trách nhiệm khi gây tai nạn Sang tên đổi chủ phương tiện Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT Tư vấn bảo hiểm xe Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm Cấp phù hiệu xe |
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội |
Tổng đài: 1900 599 979 Hotline: 098.301.9109 Email: dragonlawfirm@gmail.com |
Hệ thống Website: www.vanphongluatsu.com.vn |