Văn hóa giao thông trên nước Mỹ

13333

Gần hai tuần lễ  sống trên nước Mỹ, mỗi ngày đi lại hàng trăm cây số, có ngày đi tới năm trăm cây. Mỹ là nước hầu như chỉ có ôtô hoạt động trên đường nên rất ít cảnh lộn xộn giữa các phương tiện như các nước Châu Âu, Châu Á. Hàng ngày chúng tôi đi ô tô từ nhà cô Laurent đến trường địa học Newpallz gần 100 cây số trên con đường quốc lộ bốn làn xe, không qua khu dân cư.

Trên con đường này, ôtô chạy như mắc cửi theo hai chiều như hai dòng nước rất ít tắc đường.

Là người phụ trách dự án Văn hóa giao thông nên tôi luôn chú ý tới văn hóa giao thông của người Mỹ. Nói chung ở Mỹ không có va chạm xe cộ và không phạm luật giao thông, dù chẳng thấy bóng dáng cảnh sát ở đâu. Vậy mà ở ngã tư một thị trấn nhỏ trên đường chúng tôi đi cách đây 5 năm đã là tử địa năm người chết một lúc vì uống rượu khi lái xe. Chị Laurent cho biết, chiếc xe sang trọng giá gần 3 tỷ đồng Việt Nam mà chị đang sử dụng là xe cảnh sát tịch thu của một chủ xe say rượu khi đang lái xe, có nghĩa là người chủ xe bị phạt tiền và bị tịch thu xe. Nơi thu xe lại đem cho thuê với một giá tương đối rẻ trong thời gian dài hoặc ngắn đều được, chị là người được hưởng cái phúc lợi nho nhỏ ấy. Nếu Việt Nam áp dụng được luật này thì tai nạn sẽ được giảm một phần, vì ở Việt Nam lái xe uống rượu còn khá phổ biến mà hình phạt lại quá nhẹ đối với những thanh niên lái xe ngổ ngáo, xem thường pháp luật. Tôi chú ý, chị Laurent tay lái rất tốt, chạy trên con đường cũng tốt, nhưng thường dừng lại quan sát khi đến những đoạn đường giáp ngang đề phòng những chàng thanh niên uống rượu từ bên hông lao ra… Nói chung luật giao thông ở nước nào cũng quy định giống nhau chỉ có khác nhau là nơi này thực thi, nơi kia bỏ luật, nhờn luật. Hiện tượng này ta thấy rất nhiều ở Việt Nam từ người lái ôtô, đến người đi xe máy, tự do chen ngang, vượt mặt, từ đường ngang, từ trong ngõ lao ra, vì vậy những cuộc va chạm, những tại nạn giao thông ở Hà Nội, ở Tp Hồ Chí Minh và các thành phố khác xảy ra như cơm bữa, ngày nào cũng có người bị thương, người chết. Một điểm khác biệt nữa là ở Việt Nam, trong các trường đại học không có bãi đỗ xe chuyên nghiệp, mà mặc ai nấy để, người bảo vệ chỉ biết trông và thu tiền! Còn ở các trường đại học Mỹ thì, các lái xe phải tự tìm lấy những ô trống đã vạch sẵn mà đỗ theo một quy định rõ ràng, không bị thu tiền nên không bao giờ lộn xộn, mất trật tự trong không gian văn hóa giáo dục, nơi đào tạo ra đội ngũ trí thức tương lai, mà đã là trí thức thì phải có văn hóa “Tiên học lễ hậu học văn” trong đó có văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông… Tôi đã nhiều lần đến nước Mỹ, đã đi hàng ngàn cây số qua rất nhiểu tiểu bang (mỗi tiểu bang rộng gần bằng nước Việt Nam) nhưng chưa thấy một tai nạn giao thông nào và cũng chưa thấy một cảnh sát giao thông nào, trong khi ở Hà Nội đã ra đường là thấy cảnh sát giao thông. Ở Mỹ, tôi chưa thấy cảnh va chạm, cảnh chen lấn cướp đường mà chỉ thấy cảnh tắc đường vào cuối ngày làm việc, nhưng chỉ tắc 10 phút là nhiều, xe cứ nối đuôi nhau mà chờ, mà tiến trong trật tự. Anh Thuần một bác sĩ việt kiều sống ở bang Tennessii từ phía Nam, bay lên New York thuê xe và đưa tôi đi từ New York đến Oasinhtơn DC và ngược lại. Xe chạy bình quân tốc độ 120 cây số giờ. Anh hỏi tôi: Nghe nói Hà Nội sắp cấm xe máy, có đúng không và làm thế nào để thực hiện cho được khi xe máy là phương tiện chính của người dân?

Tôi nói: Đây cũng là câu hỏi của nhiều phóng viên ở Hà Nội thường hỏi người chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông là tôi và tôi đã trả lời rằng: Đây là một trong những vấn đề nan giải nhất về giao thông ở Việt Nam! Không thể để một Thủ đô ngàn năm văn hiến, một thành phố anh hùng mãi mãi là cảnh chen lấn, ùn tắc giao thông, mà nguyên nhân chính là xe máy gây ra, nhưng cũng không thể để hàng triệu người hàng ngày phải chậm giờ đến công sở, khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng nổi, metro chưa có, tàu điện dưới đất chưa phục hồi , tàu điện trên cao thì tiến độ thi công chậm như rùa bò, hệ thống xe buýt thì chưa được cải tiến và cuối cùng là thói quen của người Việt Nam hôm nay là đi xe máy. Còn ở Mỹ hầu như không có xe máy, thỉnh thoảng mới thấy một môtô cỡ lớn phóng như bay nhưng vẫn đi rất đúng luật.

Trông người mà nghĩ đến ta, có lẽ ta chỉ thua kém nước Mỹ rất xa về giao thông chứ còn các mặt khác thì ta có thể tự hào: Quân sự ta đã thắng Mỹ, kinh tế ta đứng đầu về gạo, chính trị ta ổn định, ngoại giao ta bình đẳng, văn hóa dân tộc ta là điểm sáng ở Á Châu, vì thế mà chúng tôi luôn được các nước Âu, Mỹ mời chào, các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, hát xẩm người phương Tây ưa thích… Năm ngoái (2015) chúng tôi được mời đến Pháp, đến Đức, năm nay trở lại Mỹ, một đất nước vô cùng rộng lớn, giàu có và văn minh. Người Mỹ rất quý người Việt Nam, đặc biệt là văn nghệ sĩ  làm nghệ thuật dân tộc. Như vậy nỗi băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là vấn đề giao thông, trong đó có văn hóa giao thông. Người Mỹ thực hiện luật giao thông rât nghiêm, nên tai nạn giao thông rất ít.

Bác sĩ Thuần lái xe đưa tôi từ Oasintơn về số nhà 285 Riverside Drive 15B NewYork đã quá khuya mà phải đi tìm chỗ đỗ xe mất hơn nửa tiếng đồng hồ, vì không thể đỗ xe bừa bãi, mặc dù chẳng có bóng cảnh sát giao thông nào! Tự giác thực thi luật giao thông đã thành máu của người Mỹ. Ở Mỹ cũng như ở một số nước phát triển, luật giao thông, văn hóa giao thông đã trở thành nếp sống tự giác của mỗi người dân và người lái xe. Ở thành phố NewYork tôi thấy có những người lớn tuổi qua đường khi có đèn đỏ nhưng lai xe đều dừng lại chờ người qua đường rồi mới đi, ôtô không phóng nhanh, không bóp còi, vì vậy mà trên đường phố có hàng ngàn chiếc ô tô vẫn không có cảnh chen lấn, bóp còi, lộn xộn. Giao thông càng trật tự thì thành phố càng văn minh. Bà Sosan đã gần 80 tuổi mà vẫn dẫn chúng tôi đi bộ đến tham quan các Bảo tàng, công trình văn hóa ở New York mà không sợ tai nạn giao thông, vì luật giao thông ở đây cực kỳ nghiêm ngặt. Như vậy nếu ở Việt Nam luật lệ giao thông được thực thi nghiêm ngặt, văn hóa giao thông thấm sâu vào cộng đồng thì, dĩ nhiên tai nạn giao thông sẽ được giảm thiểu, đời sống văn hóa của đất nước sẽ đẹp hơn, văn minh hơn.

 

 

New York 14/10/2016 – GS.HC