Những hành vi bị nghiêm cấm khi hoạt động giao thông đường thủy nội địa

1370
Tại điều 8 Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và Khoản 3 Điều 1 và Điểm b khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014 đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Luật Giao thông đường thủy nội địa đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường thủy nội địa

Bao gồm hành vi 1: Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ nội địa. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm đường thuỷ nội địa; cảng, bến thuỷ nội địa; kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác.

Hành vi 2: Mở cảng, bến thuỷ nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định. Cảng thuỷ nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện, tàu biển neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác. Cảng thuỷ nội địa bao gồm cảng công cộng và cảng chuyên dùng.

Bến thuỷ nội địa là vị trí độc lập được gia cố để phương tiện neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách. Bến thuỷ nội địa bao gồm bến công cộng và bến chuyên dùng.

Hành vi 3: Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thuỷ nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa. Phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm công trình và hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt đất có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

Hành vi 4: Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên luồng. Luồng chạy tàu thuyền (còn gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

Hành lang bảo vệ luồng là phần giới hạn của vùng nước hoặc dải đất dọc hai bên luồng để lắp đặt báo hiệu, bảo vệ luồng và bảo đảm an toàn giao thông.

Hành vi 5: Đưa phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định trong Luật giao thông đường thủy nội địa tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; sử dụng phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.

Hành vi 6: Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiên tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Hành vi 7: Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp. Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện thủy nội địa không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới một tuổi..

Hành vi 8: Chở hàng hoá độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn chung với hành khách; chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Hành vi 9: Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Hành vi 10: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn.

Hành vi 11: Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo sóng hoặc các báo hiệu cấm khác.

Hành vi 12: Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thuỷ nội địa; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác.

Hành vi 13: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.

Hành vi 14: Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.