ATGT đường thủy mùa mưa bão: Đừng để con voi chui lọt lỗ kim

1367

Với những tồn tại, bất cập chưa thể tháo gỡ khiến hoạt động giao thông đường thủy luôn trong trạng thái rủi ro, mất an toàn. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý, tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để các vi phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” không thể tiếp tục tồn tại!

Vào mùa mưa bão, an toàn giao thông đường thủy là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân. So với tai nạn giao thông đường bộ thì tai nạn giao thông đường thủy có ít hơn về số vụ, số người chết và bị thương, song về tính chất và mức độ thiệt hại lại nghiêm trọng hơn nhiều.

Còn quá nhiều bất cập trong công tác tuần tra, xử lý trong lĩnh vực này và những vi phạm trong hoạt động giao thông thủy không khác gì “con voi chui lọt lỗ kim”. Đã đến lúc cần có sự quyết liệt, mạnh tay và một cách làm mới hơn từ các cơ quan hữu trách.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay 2020, đường thuỷ xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, làm bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 13 vụ (tăng 52%), tăng 17 người chết (tăng 106%), tăng 1 người bị thương (33,33%). Trong đó, nghiêm trọng nhất là 2 vụ lật thuyền ở tỉnh Quảng Nam vào các ngày 25/02 và 08/5 khiến 11 người chết.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nguyên nhân trực tiếp trong các vụ tai nạn giao thông đường thuỷ 6 tháng qua đầu năm 2020 chủ yếu là do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn…

Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì mà chúng tôi ghi nhận được trong thực tế của hoạt động giao thông đường thủy tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. Sau đây là ý kiến của một số chủ phương tiện, lái tàu:

“Em học lái qua bố mẹ rồi đi nhiều năm nên học cách lái trong gia đình, kiểu cha truyền con nối”.

“Dạo này cũng ế ẩm quá nên chở thêm kha khá chút, cũng biết nguy hiểm mưa to, gió lớn mà mình chở hơi khẳm. Hiện nhiều giấy tờ bị thu hết rồi, lúc đi trạm này giữ, đến trạm khác giữ nữa, giờ không còn giấy tờ gì. Mình cũng biết sai sau thì rút kinh nghiệm lại”.

“Nếu mà chở nổi, chở đúng thì đâu có lời đâu, chi phí giờ nhiều quá”.

“Chở cát vầy thì phải quá tải thôi chứ nếu đủ tải thì chỉ đủ chi phí thôi”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì đoạn đường thủy nội địa dọc tuyến sông Sài Gòn qua địa bàn các tỉnh Bình Dương, TP.HCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn. Trong đó các quận gần trung tâm có nhiều khúc cua quanh co, có nhiều nhà cao tầng dễ xuất hiện lốc xoáy cùng với những dấu hiệu thời tiết bất thường như giông lốc. Điều Đáng chú ý là tại khu vực này, không khó để nhận ra tình trạng nhiều sà lan, tàu bè chở quá tải quá khổ so với quy định trong khi neo đậu chờ con nước thì lái tàu và thuyền viên có sử dụng rượu bia, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thiếu tá Lê Văn Hoàn, Đội trưởng thủy đội, Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP.HCM cho biết nói thêm:

“Các phương tiện qua đây cơ bản chấp hành tốt giao thông thủy nội địa, tuy nhiên vẫn có những phương tiện chở quá tải, thực tế có nổi lên vấn đề như vậy. Các phương tiện đi từ miền Tây lên, qua nhiều tỉnh thành thì đã bị lập nhiều biên bản. TP phải đang tìm chỗ để tạm giữ phương tiện quá tải hoặc không có giấy tờ để họ thực hiện nghĩa vụ đóng phạt ở các tỉnh sau đó về đây TP sẽ ra quyết định phạt tiếp”

Đoạn đường thủy nội địa dọc tuyến sông Sài Gòn qua địa bàn các tỉnh Bình Dương, TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn. Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường
Tại tỉnh Cà Mau, một trong những địa phương có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng với hệ thống giao thông thủy hoạt động hết sức nhộn nhịp thì việc nhiều phương tiện thủy vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông cũng là điều dễ thấy.

Ban ATGT tỉnh TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy tuy có nhiều chuyển biến tích cực song trên thực địa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão. Trước tình hình trên, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh TP. Cần Thơ đã ban hành chỉ thị số 08 nhằm tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

Trung tá Nguyễn Trường Sa – Phó Trưởng phòng CSGT Đường thủy Công an Thành phố Cần Thơ chia sẻ thêm:

“Nội dung tuyên truyền tập trung tại các địa bàn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như các bến đò khách, thuyền du lịch. Tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về pháp luật an toàn giao thông đường thủy như phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, chở quá vạch mớn nước an toàn, không trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn…”

Mặc dù các địa phương và các lực lượng chuyên trách đã thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm song theo việc xử lý hiện nay chưa tạo được sức răn đe cho các chủ phương tiện hay lái tàu. Ông Ngô Đặng Quá Hải – Phó Trưởng Phòng Quản lý Giao thông Đường thủy Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc xử lý vi phạm vẫn chưa triệt để nên chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức của các bên liên quan:

“Công tác xử lý vi phạm chưa triệt để dẫn đến tình trạng đối phó của người tham gia giao thông. Ngoài ra trên địa bàn thành phố mới chỉ có 1 trạm tạm giữ phương tiện vi phạm do đó chưa cơ động đáp ứng việc xử lý các phương tiện vi phạm”.

Chỉ đạo tại buổi sơ kết tình hình an toàn giao thông cả nước 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Chủ tịch UB ATGT Quốc Gia nhấn mạnh; các cấp, các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương cũng như hạn chế hậu quả kinh tế từ tai nạn giao thông đường thủy. Qua đó góp phần thực hiện tốt phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020:

“Tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, của cá nhân để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa những giải pháp đảm bào trật tự an toàn giao thông phấn đấu đạt mục tiêu kéo giảm 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2019. Mỗi ngành mỗi địa phương cần phải quyết liệt để thực hiện, góp phần lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước và Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13”.

Đừng để con voi chui lọt lỗ kim

Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão. Ảnh: Báo Long An
Rõ ràng, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm và chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương. Song với những tồn tại, bất cập chưa thể tháo gỡ đã khiến hoạt động giao thông đường thủy nước ta luôn bị đặt trong trạng thái rủi ro, mất an toàn. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý, tập trung nguồn lực đầu tư nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này để các vi phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” không thể tiếp tục tồn tại!

Mời quý vị cùng đến với góc nhìn của Kênh VOVGT về vấn đề này qua bài bình luận: “Đừng để con voi chui lọt lỗ kim”.

Với mạng lưới sông ngòi chằng chịt với chiều dài hơn 1000km, mạng lưới giao thông thủy đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thông khu vực TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung. Tuy nhiên, những bất cập trong cơ chế quản lý, đầu tư và nhất là những nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn khiến cho hoạt động giao thông thủy nội địa nói riêng và giao thông đường thủy nói chung chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song khách quan mà nói thì những vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy luôn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn số người chết, bị thương và thiệt hại vật chất năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nguyên nhân được viện dẫn là do các cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện; chế tài xử phạt còn nhẹ chưa tạo được sức răn de; thiếu bến bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm; lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng hay ý thức người tham gia giao thông chưa cao

Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để phác thảo nên một bức tranh tổng thể của hoạt động giao thông thủy nước ta.

Trên thực tế, đã có tình trạng có sự buông lỏng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thuỷ ở nhiều địa phương. Không chỉ vậy, không khó để chỉ ra nhiều biểu hiện tiêu cực trong quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chuyên trách.

Tình trạng hàng loạt tàu bè, sà lan;đò dọc, đò ngang chở quá khổ, quá tải trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hệ thống sông ngòi ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long xảy ra thường xuyên trong thời gian qua thì khó có thể không đặt câu hỏi phải chăng có sự “thương lượng, thỏa hiệp và bắt tay” giữa các bên. Để từ đó các lỗi vi phạm, thậm chí là rất mất an toàn vẫn thường xuyên được bỏ qua, dẫn đến các tai nạn đau lòng.

Để kiềm chế và đi đến triệt tiêu những vi phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” trong hoạt động giao thông đường thủy thời gian tới cần một quyết tâm đủ lớn và một lộ trình rõ ràng từ cơ sở pháp lý, nhân lực, vật lực lẫn một tư duy và cách làm hoàn toàn mới. Không nên chỉ dừng lại ở các phong trào hay hô hào, vận động mà cần phải có những việc làm cụ thể, rõ ràng đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cả hệ thống chính trị.

Chỉ có vậy mới có thể mong tạo được sự chuyển biến thực sự cho hoạt động giao thông đường thủy nước ta; giảm thiểu các tai nạn thương tâm có thể xảy ra.