Chủ tàu, thuyền được tự giữ phương tiện vi phạm

1296

Thời gian qua, lực lượng chức năng xử lý vi phạm đường thủy gặp nhiều khó khăn trong việc tạm giữ tàu, thuyền do không có nơi tạm giữ phương tiện và không có quy định về việc thuê nơi tổ chức trông giữ. Từ ngày 1-5, việc tổ chức tạm giữ phương tiện thủy vi phạm theo quy định mới sẽ tạo thuận lợi hơn cho cả cơ quan chức năng và chủ phương tiện.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tạm giữ ghe khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai để xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: T.Hải

So với lĩnh vực đường bộ, công tác xử lý vi phạm an toàn giao thông đường thủy có nhiều đặc thù. Trong đó, tình trạng thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.

* Thiếu chỗ giữ tàu, thuyền vi phạm

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, vấn đề bảo quản, giám sát đối với những phương tiện vi phạm giao thông đường thủy không hề đơn giản, nhất là những tàu, thuyền có trọng lượng lớn. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp ra quân xử lý tình trạng khai thác cát trái phép; tạm giữ rất nhiều phương tiện vi phạm vì đa phần các đối tượng sẵn sàng bỏ phương tiện để chạy trốn.

Cụ thể, rạng sáng 11-3, trên tuyến sông Đồng Nai đoạn Cù lao Ba Xê, thuộc P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), tổ công tác của Phòng CSGT đã phát hiện một nhóm gồm 3 đối tượng điều khiển ghe không số hiệu đang bơm hút cát trái phép. Phát hiện lực lượng tuần tra, các đối tượng lợi dụng trời tối nhảy xuống sông tẩu thoát.

Trước đó, vào lúc 23 giờ 45, ngày 9-3, tại km35 thuộc khu vực Cù lao Hiệp Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT cũng đã phát hiện 1 phương tiện (vỏ bằng gỗ) không số đăng ký có gắn 2 đầu bơm hút cát và các thiết bị chuyên dụng để bơm hút cát sông trái phép lên 1 phương tiện khác (đã trốn thoát). Lực lượng chức năng đã tạm giữ phương tiện trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Một cán bộ CSGT cho biết, do nhiều phương tiện không có số hiệu hoặc đối tượng vi phạm bỏ lại ghe bơm hút cát trái phép để chạy trốn nên công tác phục vụ điều tra trên lĩnh vực đường thủy gặp nhiều khó khăn. Một số vụ việc sau thời gian tạm giữ phương tiện không xác định được chủ phương tiện nên khá “lúng túng” khi giải quyết, xử lý. Ngoài ra, do điều kiện thủy văn phức tạp, ảnh hưởng của dòng chảy, thủy triều… nên vấn đề bảo quản phương tiện thủy vi phạm không thuận lợi.

* Gỡ khó trong quản lý, xử lý tàu, thuyền vi phạm

Chánh thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Nguyễn Phan Trong cho biết, thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông đã tiến hành mở các đợt kiểm tra chuyên đề nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, theo ông Trong, do chưa có bến bãi giữ phương tiện thủy vi phạm nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng thanh tra giao thông đường thủy. Trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm thì buộc lực lượng thanh tra giao thông phải phối hợp với các lực lượng khác đưa phương tiện về các vị trí rồi sau đó đình chỉ hoạt động của phương tiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tạm giữ ghe khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai để xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: T.Hải

Liên quan đến vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hiện cả nước mới có 2 địa phương là TP.Hải Phòng và TP.HCM có địa điểm trông giữ phương tiện thủy vi phạm nhưng chỉ đủ khả năng trông giữ phương tiện vi phạm chờ khởi tố và cũng chỉ được xây dựng với quy mô nhỏ, có phao neo giữ phương tiện và thường bố trí ở các đoạn kênh, đoạn sông nhánh.

Để tháo gỡ những khó khăn này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2020 ngày 5-3-2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2013) về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 1-5, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể thuê cảng, bến thủy, âu thuyền để tạm giữ phương tiện thủy vi phạm Luật Giao thông đường thủy hoặc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự trông giữ phương tiện, tài sản.

Theo đó, trường hợp cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi tạm giữ hoặc không đủ nơi tạm giữ có thể thuê nơi tạm giữ. Nơi tạm giữ là kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định. Nơi tạm giữ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, trong đó, đối với bến thủy nội địa phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.

Nghị định cũng quy định người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện (trừ các trường hợp không được giao: tang vật vụ án hình sự, giấy chứng nhận đăng ký giả…). Điều kiện để được tự trông giữ phương tiện vi phạm là: cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú, tạm trú hoặc có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác; tổ chức vi phạm có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Trong thời hạn tự trông giữ, tổ chức, cá nhân vi phạm không được đưa phương tiện vi phạm này tham gia giao thông; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất, hư hại phương tiện. Trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng đưa phương tiện về nơi tạm giữ thì người vi phạm phải trả chi phí di chuyển phương tiện.

Theo Nghị định số 31/2020 ngày 5-3-2020  về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, khi người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt, nếu số tiền đặt bảo lãnh (để được tự trông giữ phương tiện vi phạm) lớn hơn số tiền bị xử phạt thì được khấu trừ và trả lại cho người vi phạm.

Thanh Hải