Xe tải rọi đèn pha, vượt ẩu gây tai nạn – Luật sư Bùi Thị Mai trả lời phỏng vấn báo an ninh tivi

37673

Thực tế cho thấy, không phải ai cũng biết cách phân biệt và có ý thức sử dụng đúng chế độ đèn chiếu sáng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm. Điều này không chỉ gây khó chịu cho người đi ở chiều ngược lại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.

Việc bật đèn pha không đúng cách đã và đang trở thành mối đe dọa đối với người tham gia giao thông. Theo quy định, các xe đi ngược chiều gặp nhau phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần để tránh lóa mắt cho lái xe đối diện, tránh xảy ra tai nạn giao thông, song tình trạng này vẫn tái diễn.

Đi lùi hay lái xe đi ngược chiều trên cao tốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà còn vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng, tài sản của bản thân lái xe và những người khác. Mặc dù Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020, nâng mức xử phạt đối với hành vi đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 5-7 tháng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra, phải chăng nên tăng mức phạt là hủy bằng lái xe mới có thể ngăn chặn hành vi này tái diễn.

Vào 16h ngày 5/1/2020, trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai, chiếc xe Fortuner ngang nhiên đi ngược chiều. Hay mới đây, ngày 17/2/2020, chiếc xe ô tô phóng như điên đi ngược chiều ngay tại làn 120 km/h. Nếu các tài xế đi đúng luật không kịp thời xử lý, thì chắc chắn tai nạn là rất nghiêm trọng.

TS.Phan Lê Bình – Chuyên gia JICA cho biết: “Đi ngược chiều trên đường cao tốc, nó phải được đánh giá nghiêm trọng ngang với hành vi có khả năng giết người. Hiện nay thì chúng ta chưa có cái dạng chế tài đưa ra xử lý hình sự đối với hành vi này, chỉ khi nào có tai nạn nghiêm trọng, bị thương nặng hoặc chết người thì lúc đó chúng ta mới xử lý hình sự, nhưng tôi nghĩ rằng, ngay cả khi nó chưa gây ra một thứ tai nạn nào đi nữa, mà nếu nó là dạng cố tình thì nên nghĩ đến chuyện xử lý hình sự.”

Rõ ràng đây là những hành vi có chủ đích, đe dọa nghiêm trọng an toàn giao thông trên tuyến cao tốc. Mặc dù Nghị định 100 từ khi có hiệu lực từ 1/1/2020 đã nâng mức xử phạt đối với hành vi này gấp 20 lần so với Nghị định 46 là 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 5-7 tháng. Song tình trạng này vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Theo các Luật sư, mức xử phạt về tài chính là phù hợp, nhưng thời hạn tước bằng lái xe lại chưa phù hợp, tăng quá thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Luật sư Bùi Thị Mai – Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Ở một số nước thì ngoài cái việc tước bằng lái xe có thời hạn thì chủ phương tiện vi phạm có thể bị tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc có thể áp dụng một số các biện pháp khác bổ sung như lao động công ích hoặc tăng cái tiền phạt nộp thuế hoặc tăng cái mức bảo hiểm thì tôi nghĩ rằng đây cũng là một cái kinh nghiệm để cho những nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo những cái kinh nghiệm đó, có thể áp dụng giống như cái việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, có thể tăng cái thời gian tước bằng lái xe lên đến khoảng 2 năm hoặc có thể tước treo bằng vĩnh viễn đối với những trường hợp vi phạm và gây hậu quả nghiêm trọng.”

Thực tế mức xử phạt về hành vi đi ngược chiều chưa lường hết được các vấn đề nảy sinh và khung hình phạt này được đánh giá quá thấp so với mức độ nguy hiểm mà người vi phạm gây ra. Do đó những nhà làm luật cần chỉnh sửa, bổ sung để có thể đem lại hiệu quả tích cực như xử phạt nồng độ cồn.

Trích: Báo ANTN