Nộp phạt vi phạm giao thông ở đâu?

5860

Bạn phải nộp phạt vi phạm giao thông? Thật đáng tiếc, nhưng mình làm mình chịu chứ biết làm sao, đành rút kinh nghiệm thôi.

Trước khi nộp phạt, có thể bạn muốn tìm hiểu lại một số nội dung liên quan:

  • Các lỗi vi phạm giao thông – cần xem mình thực sự đã vi phạm lỗi gì.
  • Các mức phạt vi phạm giao thông theo quy định mới nhất 2016, để biết số tiền phạt

Sau khi đã xác định rõ mình đã “dính” lỗi gì, mức tiền phạt bao nhiêu, bạn muốn biết mình phải (hoặc nên) nộp phạt ở đâu: tại chỗ, ra kho bạc, hay thử cách thức mới: qua bưu điện.

Mỗi cách nộp phạt lại có thủ tục khác nhau, tôi sẽ nêu chi tiết từng cách trong phần tiếp theo.

1. Lỗi nào được nộp phạt tại chỗ?

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 – Điều 56 quy định rõ như sau:

“Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.”

Như vậy, khi cá nhân bạn vi phạm những lỗi nhẹ với mức phạt 250 nghìn đồng trở xuống, thì phải xử phạt theo hình thức “không lập biên bản”. Nghĩa là, CSGT sẽ điền luôn vào mẫu Quyết định phạt in sẵn (đầy đủ là “Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản”). Hình dáng Quyết định như ảnh dưới.

Quyết định xử phạt tại chỗ vi phạm giao thông (Nguồn: otofun.net)

Cái tiện của hình thức này là bạn có thể nộp phạt ngay tại chỗ, mà không cần phải đến kho bạc.

Đó là theo Điều 69 – Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản: người vi phạm “nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt”. Trong trường hợp người vi phạm “không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước”.

Quy định này là nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm có thể giải quyết sớm vi phạm của mình, mà không buộc phải đợi trong vòng 7 ngày mới đi lấy Quyết định xử phạt, nộp tiền kho bạc, rồi lấy lại giấy tờ bị tạm giữ… Chủ trương này sẽ rất hữu ích nếu chẳng may bạn vi phạm lỗi nhẹ ở tỉnh xa, nếu không “được” nộp phạt ngay, phải 7 ngày mới quay lại thì quá vất vả và tốn kém.

Sau khi nhận Quyết định xử phạt, bạn nộp tiền luôn cho CSGT tại đó, và nhận lại Biên lai thu tiền phạt màu hồng như hình dưới:

Nhận Quyết định và Biên lai là xong, bạn đã làm tròn phận sự của mình, và có thể tiếp tục lên đường. Nhớ đừng vi phạm nữa nhé!

À, nhưng với hình thức nộp phạt tại chỗ, vẫn có thể có trường hợp phát sinh như sau:

Trường hợp 1 – Bạn không đem đủ tiền để nộp tại chỗ thì sao? Có mấy phương án như sau:

  • Cách đơn giản nhất là nói khó các đồng chí CSGT chờ một lát, rồi alo gọi người thân đem tiền tới, nộp tiền lấy biên lai là xong. Hoặc nếu CSGT đồng ý, thì tạm để lại giấy tờ, về lấy tiền quay lại nộp luôn tại đó (điều này không nằm trong quy định của luật, chỉ là linh động giải quyết thôi).
  • CSGT sẽ tạm giữ một loại giấy tờ theo thứ tự như Bằng lái, Giấy đăng ký (Điều 125). Bạn về lấy tiền đến kho bạc nộp rồi đem biên lai quay lại gặp người phạt lấy giấy tờ. Nhớ hỏi trước tên đơn vị xử phạt (Phòng CSGT, đội CSGT, địa chỉ), đề phòng hết ca các anh CSGT nghỉ, thì bạn còn biết đến đâu để lấy lại giấy tờ vừa bị tạm giữ.
  • Trường hợp chưa tiện nộp phạt ngay, thì để lại giấy tờ rồi một hai hôm sau cầm Quyết định phạt ra kho bạc nộp tiền, sau đó đến đơn vị xử phạt trình biên lai nhận lại giấy tờ cũng được.

Trường hợp 2 – CSGT hết biên lai, không thu phạt ngay tại chỗ được. Để đảm bảo đúng là hết biên lai thật, chứ không phải là bị “củ hành”, bạn yêu cầu họ ghi rõ vào sau Quyết định lý do về việc bạn phải nộp phạt tại kho bạc, chẳng hạn như “Tôi, trung úy xxx hết biên lai tại chỗ, nên yêu cầu anh Abc tới kho bạc nộp phạt”, sau đó ký, ghi tên phía dưới là được.

Ấy là những lỗi được nộp phạt tại chỗ, nhưng với những lỗi nặng, bắt buộc người vi phạm phải đến kho bạc nộp phạt.

2. Lỗi nào phải nộp phạt tại kho bạc?

Cũng theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 – Điều 56 mà tôi đã trích dẫn ở trên, ta có thể suy ra, với những lỗi vi phạm mà mức phạt trên 250 nghìn đồng, thì người vi phạm phải nộp phạt tại kho bạc. CSGT không thu phạt trực tiếp.

Vậy thì trình tự cụ thể thế nào?

Khi bạn phạm lỗi với mức phạt trên 250k mà bị tuýt còi, CSGT sẽ lập biên bản vi phạm (như hình dưới).

Về khái niệm, Biên bản là loại giấy tờ lập ra để ghi nhận một hiện trạng nào đó. Ở đây ta đang nói về vi phạm giao thông, và Biên bản là để ghi nhận lỗi vi phạm, có ký xác nhận của 2 bên: CSGT và người vi phạm.

Cần lưu ý Biên bản chưa phải là Quyết định xử phạt, nên chưa có hiệu lực chế tài bắt buộc người vi phạm phải nộp phạt ngay. Quyết định xử phạt sẽ được cấp có thẩm quyền lập sau trong vòng 7 ngày tiếp theo (Theo quy định trong Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Khi bị lập Biên bản, thì dễ xảy ra 1 trong 2 khả năng:

  1. Nếu bạn nhất trí với lỗi vi phạm mà CSGT thông báo, thì chỉ cần ghi “Đúng lỗi” vào mục “Ý kiến của người vi phạm”, và ký tên ở cuối trang. CSGT sẽ tạm giữ giấy tờ (bằng lái, giấy đăng ký), có ghi rõ trong biên bản, sau đó họ cũng ký tên, và giao cho bạn 1 bản cầm về. Trong vòng 7 ngày, cơ quan công an sẽ ra Quyết định xử phạt. Đến ngày hẹn ghi trên biên bản, thường trong vòng 5-7 ngày từ khi có biên bản, bạn đến cơ quan xử phạt ghi trên biên bản để lấy Quyết định xử phạt vi phạm. Bạn cầm 2 tờ Quyết định, nộp cho kho bạc 1 tờ cùng tiền nộp phạt, lấy biên lai quay lại cơ quan xử phạt trình biên lai để lấy lại giấy tờ đã bị tạm giữ. Mất tiền, mất thời gian công sức để trả giá cho hành vi vi phạm của mình – vậy thôi!
  2. Nếu bạn thấy CSGT thông báo không đúng lỗi vi phạm, thì cần yêu cầu CSGT cung cấp bằng chứng, chẳng hạn hình ảnh chụp. Sau đó bạn tự mình kiểm tra, giải thích với người xử phạt. Cần lưu ý giữ thái độ ôn hòa lịch sự trong lúc làm việc. Nếu nỗ lực vẫn không có kết quả, thì tốt nhất bạn ghi ý kiến của mình vào mục “Ý kiến người vi phạm”, và vẫn ký tên, để giấy tờ lại, và cầm biên bản về. Về nhà, nghiên cứu lại, nếu phát hiện ra mình sai, thì vui vẻ đi nộp phạt (các bước như trường hợp 1 nêu trên). Còn nếu chắc chắn mình bị phạt oan, và muốn làm cho rõ ràng, bạn có thể chọn cách làm đơn khiếu nại gửi đến tới cơ quan ra quyết định xử phạt. Trình tự các bước khiếu nại theo Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại. Bản thân tôi chưa làm thủ tục này bao giờ, nên sẽ phải nghiên cứu thêm mới viết chi tiết về nội dung đó được.

Ngoài cách nộp phạt tại chỗ hoặc ra kho bạc, còn có cách thức nộp phạt mới thuận tiện hơn… Đó là qua bưu điện.

Nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện như thế nào?

Từ 15/6/2016, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước, sau đó nhận lại giấy tờ bị tạm giữ chuyển qua bưu điện đến nhà.

Lưu ý rằng hình thức nộp phạt qua bưu điện là tùy chọn, chứ không bắt buộc. Người vi phạm hoàn toàn có thể nộp phạt theo cách “truyền thống” tôi đã nêu trên: tại chỗ hoặc tại kho bạc.

Nếu chọn nộp phạt qua bưu điện, các bước như sau:

  • Bạn đăng ký với CSGT bằng cách ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản CSGT lưu) để chuyển tới bưu điện. Sau đó, bạn có thể đến bưu cục gần nhất để nộp tiền, bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ bưu điện.
  • Khi nhận được tiền nộp phạt, CSGT sẽ gửi chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho bạn.

Theo như báo chí đưa tin, tại các trung tâm tỉnh, thành phố người vi phạm sẽ nhận lại giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện và tỉnh thành khác là 3-5 ngày.

Hình thức nộp phạt này được cho là tiên tiến, có tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Một số lợi ích nó đem lại bao gồm: thuận tiện, bớt phiền phức, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức (nhất là với người vi phạm ở tỉnh xa nơi xảy ra vi phạm). Ngoài ra, việc nộp phạt qua bưu điện cũng giúp cơ quan công an, kho bạc giảm bớt áp lực trong quá trình xử lý các thủ vi phạm hành chính.

Tóm lại, việc nộp phạt vi phạm giao thông có thể được thực hiện theo 3 cách: tại chỗ, tại kho bạc, hoặc qua bưu điện. Cho dù cách nào, thì đây cũng là việc cực chẳng đã, chẳng ai muốn bị. Nếu đã lỡ “dính lỗi”, thì bạn cũng cần biết cách nộp phạt thế nào thuận tiện nhất. Và cuối cùng, sau mỗi lần phạm lỗi, chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm để tránh bị lặp lại.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của các lực lượng đến đâu?

Hiện có rất nhiều lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Vậy theo quy định lực lượng này có được phép xử phạt vi phạm giao thông không?
Xử phạt vi phạm giao thông: Theo quy định, đúng là nhiều lực lượng có thẩm quyền được dừng phương tiện và xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên các lực lượng này trong nhiều trường hợp không được tùy tiện dừng hoặc xử phạt mà chỉ được dừng để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm, và không phải tất cả đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT): Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ”.
Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 quy định: cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.
Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định các trường hợp được dừng phương tiện:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
…………..
đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Với các quy định tại 87 Luật giao thông đường bộ 2008, Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 , Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA cho thấy, khi Cảnh sát giao thông phát hiện có hành vi vi phạm về giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, khi cho dừng phương tiện, Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải xuất trình biển hiệu khi làm nhiệm vụ. Biển hiệu này hình chữ nhật, có màu xanh da trời, có hình công an hiệu in chìm và phần ghi các thông tin cá nhân, chữ màu đen.
Như vậy, lực lượng CSGT được quyền xử phạt tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thanh tra giao thông đường bộ: Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra đường bộ, Thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ.
Khoản 6 Điều 68 Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho phép Thanh tra giao thông có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ; hành vi vi phạm quy định về đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ và một số hành vi vi phạm khác…
Lực lượng này chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm xảy ra và được quyền xử phạt theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên. Thanh tra viên có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với giao thông đường sắt.
Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã: Theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/3/2010 thì: Các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác (gồm cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ, và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Các lực lượng này chịu sự kiểm tra, giám sát của CSGT, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong trường hợp có mặt CSGT thì CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định.
Trường hợp các lực lượng trên tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đi cùng, nếu phát hiện vi phạm hành chính thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và tại Điều 68, 69, 70 nghị định 171/2013/NĐ-CP. Chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với vi phạm đường sắt. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thực tế, hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM còn có các Tổ công tác liên ngành như 141, 113 gồm: cảnh sát cơ động, CSGT, cảnh sát hình sự được thành lập với nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Vì vậy, lực lượng này cũng có quyền được phép dừng xe và xử phạt người vi phạm giao thông.
Lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố: Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố thì lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố có quyền: Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội”.
Lực lượng dân phòng chỉ có trách nhiệm báo cáo với UBND và CA phường về hành vi vi phạm chứ không được quyền xử phạt. Tuy nhiên, thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng vượt quyền, lạm quyền của lực lượng này nên cũng gây sự bức xúc đối với người dân. Tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh để tránh những hậu quả và nguy cơ xung đột không đáng có.
Như vậy, các lực lượng được xử phạt vi phạm giao thông bao gồm:
Lực lượng CSGT, cảnh sát 113, 141 được dừng xe và xử phạt đối với các vi phạm về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông. Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải đeo biển hiệu và Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát.
Lực lượng cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn được dừng xe vi phạm và xử phạt khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Người tham gia giao thông có quyền hỏi lực lượng công an khi bị dừng xe và xử phạt về kế hoạch và quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt.
Thanh tra giao thông dừng xe và xử phạt trong một số trường hợp thuộc thẩm quyền theo quy định.
Khi bị dừng phương tiện, người dân có quyền được biết mình đã vi phạm về hành vi gì và lực lượng dừng xe có trách nhiệm thông báo về lỗi vi phạm.

Luật sư tư vấn luật giao thông – Công ty luật Dragon