Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe gây tai nạn, làm tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỉ lệ thương tật là 41%, bị Viện kiểm sát truy tố theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định có lợi cho người phạm tội trong trường hợp gây tổn hại sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 41%. Vậy trong vụ án nêu trên có áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 hay vẫn áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử?
Khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
“Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
So với quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 thì quy định tại khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 là quy định mới có lợi cho người phạm tội. Theo quy định tại Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội và hướng dẫn tại Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì kể từ ngày 01-7-2016, khi xét xử các vụ án về giao thông, Tòa án xem xét áp dụng quy định này đối với người phạm tội.
Tuy nhiên, trong vụ án nêu trên, mặc dù bị cáo gây tai nạn làm tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỉ lệ thương tật là 41%, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo có thêm tình tiết tăng nặng định khung “không có giấy phép lái xe” (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999), nên không thuộc trường hợp được áp dụng quy định có lợi tại khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong trường hợp cụ thể này, Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999, hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để xét xử, vì quy định tương ứng tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 không có lợi cho người phạm tội.
Luật sư bào chữa vụ án giao thông – Công ty luật Dragon
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI CÔNG TY LUẬT DRAGON Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long |
Tư vấn và cung cấp dịch vụ |
Mức xử phạt các lỗi Cấp lại giấy phép lái xe Cấp lại biển số xe Trách nhiệm khi gây tai nạn Sang tên đổi chủ phương tiện Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT Tư vấn bảo hiểm xe Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm Cấp phù hiệu xe |
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội |
Tổng đài: 1900 599 979 Hotline: 098.301.9109 Email: dragonlawfirm@gmail.com |
Hệ thống Website: www.vanphongluatsu.com.vn |