Đường sắt Việt Nam – nhìn từ hôm qua… – Kỳ 1: Con đường “thiên lý” thứ hai của VN đã thông tuyến ở kilômet 1221 Đại Lãnh, Phú Yên ngày 2-10-1936. Kỳ tích xây dựng lớn nhất thế kỷ 20 ở nước Việt với con đường sắt xuyên Việt này làm thay đổi hẳn thế độc đạo đường cái quan xưa. Từ mốc 1881, khởi công ở Sài Gòn, đúng 55 năm sau người Việt đã đi trọn được chuyến xe lửa Sài Gòn – Hà Nội để chuyển giao một thời vó ngựa, cánh buồm vào lịch sử. Và thế kỷ 21 lại đặt ra ước vọng cùng trăn trở: tiếp tục nâng cấp đường sắt lịch sử này hay xây dựng đường cao tốc hiện đại hơn?
“Sài Gòn hồi xưa có con đường rất đẹp, chỉ tiếc là nó sớm yểu mệnh. Thế hệ già cả như tụi tui cả đời gắn bó với xứ này chỉ mong trước khi mình nhắm mắt lại thấy được con đường lãng mạn này hồi sinh”.
Đó là một chiều mưa năm 2000, cố nhà văn Sơn Nam, ngồi nhấm nháp bia hơi trên con đường Cách Mạng Tháng Tám, rầm rì kể chuyện Sài Gòn xưa với người viết.
Những mét đường sắt đầu tiên
Nhà văn tâm sự kẻ hậu sinh không may mắn được biết, nhưng lớp người trước cỡ cụ Vương Hồng Sển hay sau chút là lứa của ông đều rành rẽ con đường này. Cung đường sắt đầu tiên của nước Việt chạy loanh quanh trong Sài Gòn rồi về Mỹ Tho.
Người dân xứ này đã từng ngậm ngùi chứng kiến chiến hạm hơi nước đánh phá quê hương mình, nhưng đây là lần đầu tiên họ được nhìn thấy cỗ máy hơi nước to lù lù chạy trên bộ. Các “thùng sắt” phía sau thay vì thập thò trọng pháo lại chở ông thầy đồ tóc cột búi, cô hàng buôn, đứa trẻ tóc ba vá với bà già nhà quê lên phố lỉnh kỉnh các sản vật gạo mắm, rau quả phương Nam.
Có thời tuyến xe lửa này đã thực hiện được hành trình chưa tới hai giờ để từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, một tốc độ “chóng mặt” với người bản xứ vốn quen ngồi ghe mất cả ngày.
Ngược thời gian trở lại những năm cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu người Pháp Frédéric Hulot trong công trình nghiên cứu đường sắt nước Pháp hải ngoại, đã kể lại tỉ mỉ quá trình “thai nghén” và công cuộc xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên: “Ngày 24-9-1873, một người tên Joyeux đã xin nhượng đoạn đường sắt hoặc đường tàu điện nhỏ bé giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Lời thỉnh cầu đầu tiên này bị bác bỏ, nhưng nó đã khẳng định Nam kỳ như là cái nôi của đường sắt Đông Dương…”.
Tuy nhiên khoảng hai năm sau, viên toàn quyền Pháp lại thay đổi ý định khi nhận ra tầm quan trọng của một tuyến đường sắt hiện đại vào lúc đó rất cần thiết để xây dựng thành phố Sài Gòn mới. Ngày 18-10-1875, ông ta đồng ý cho một thương gia ở Sài Gòn thực hiện tuyến đường này nhưng vẫn không thành. Lại mất thêm ba năm nữa, đến ngày 11-12-1879, một nhóm thương gia Ogliastro, Blustein, Desbuissons và Cousin tiếp tục được toàn quyền Pháp ký quyết định nhượng việc thực hiện tuyến đường sắt đầu tiên này.
Sau khi trình bày bản điều lệ nhận thầu, nhóm thương gia chính thức thành lập Tổng công ty Tàu điện hơi nước Nam kỳ (Société générale des Tramways à Vapeus de Cochinchine – SGTVC). Với thiết bị chủ yếu được thương thuyền chở từ Pháp qua cảng Sài Gòn, tuyến đường giao thông được khởi công nhanh chóng khởi đầu từ cảng Sài Gòn dọc theo bờ sông để đến Chợ Lớn. Với tổng chiều dài 5km, đường nối liền hai cụm đô thị hành chính và thương mại sầm uất nhất trong thành phố.
Được tiếp cận bản gốc các tài liệu lưu trữ ở Pháp, nhà nghiên cứu Fréderic Hulot đã kể tỉ mỉ rằng: “Ngày 27-12-1881, chuyến tàu đầu tiên của Đông Dương đã nối Sài Gòn “Pháp quốc” với Chợ Lớn “Trung Hoa”. Là đường khổ 1.000mm vạch theo hướng đường bộ trên chiều dài tổng cộng 5km, tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn lúc cao điểm phục vụ với chu kỳ 20 phút. Lúc đầu là ba, sau có năm đầu máy SACM kiểu 120 – T được sử dụng với 12 toa hành khách, ba toa hành lý và năm toa hàng”.
Khởi đầu, tuyến đường hiện đại nhất nước Việt lúc đó đã thành công đến mức chính viên toàn quyền Pháp ở Sài Gòn đã thốt lên: “Người An Nam tỏ ra hâm mộ thật sự phương thức vận tải này. Trong những ngày đầu, hành khách đã đạt tới con số 2.000. Tôi giả dụ những con số đó là phi thường, không duy trì được lâu. Tuy nhiên, thắng lợi của công ty và của các tuyến đường sắt khác là không phải bàn cãi”.
Tuyến xe lửa đầu tiên từ Sài Gòn đi Chợ Lớn – Ảnh tư liệu |
Xuôi về miền Tây
Sự thắng lợi hơn cả mong đợi của tuyến đường trong thành phố Sài Gòn đã khích lệ đẩy nhanh tiến độ một tuyến đường khác được khởi công gần như cùng thời gian. Đó là tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, cũng được Hội đồng thuộc địa Nam kỳ nhượng quyền xây dựng và khai thác cho nhà thầu tư nhân Joret vào ngày 12-11-1880.
Các tài liệu còn lưu trữ cẩn thận ở Pháp kể lại việc xây dựng con đường sắt về miền Tây không có gì đặc biệt lắm, phần lớn xuyên qua những cánh đồng và đường dân cư. Trong đó có một số đoạn đất thấp và bùn lầy phải mất thêm thời gian gia cố nền đường. Tuy nhiên, vấn đề chính của tuyến đường sắt này lại là hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây mà dù muốn hay không nó cũng phải cắt qua. Frédéric Hulot viết rằng nhà thầu Joret phải làm hai cây cầu dài 550m và 133m mãi đến tháng 5-1886 mới hoàn thành.
Tuyến đường sắt dài 70km từ Sài Gòn về Mỹ Tho chính thức hoạt động vào ngày 20-7-1885. Để vượt sông trong lúc cầu chưa làm xong, người ta đã phải sử dụng phà để “cõng” xe lửa qua sông.
Đây là một hình ảnh khá “ngộ nghĩnh” với người dân bản xứ lúc đó. Ban đầu họ nghi ngờ về khả năng một chiếc tàu nào đó lại có thể “cõng” nổi cả đoàn xe lửa bằng thép nặng nề dài dằng dặc. Nhưng nhà thầu Pháp có giải pháp hợp lý. Họ tạm tách rời các toa tàu để đưa lên phà qua sông rồi mới nối lại cho chạy tiếp.
Ông Võ Minh Hai, một lão nông 86 tuổi, có tổ tiên nhiều đời ở Bến Lức, Long An, vẫn nhớ lời cha truyền kể lại ngày xưa nhà ông nội mình ở bờ nam con sông Vàm Cỏ Đông. Khi người Pháp làm con phà này, người dân tại chỗ như ông nội của ông Hai được chiêu mộ làm đường dẫn từ bờ sông lên xuống phà. Họ nện đá xuống hai bờ sông rồi lát thêm những thân gỗ lớn lên trên để chống lún. Nhà thầu Pháp còn khéo léo làm thêm một giàn giáo kiên cố ngay trên thân con phà giống như kiểu “nhà sàn cao cẳng” của người bản xứ, để xe lửa từ bờ có thể đi ngang lên phà dễ dàng hơn thay vì dễ bị lật nếu xuống bờ sông quá dốc rồi mới lên phà được.
Nhắc lại ký ức cha truyền, ông Hai kể lúc nào cũng có hai phà xe lửa túc trực sẵn ở hai con sông này. Tài công người Pháp nhưng có trưng dụng thêm người bản xứ phụ việc. Tuy nhiên, khoảng một năm sau thì sứ mệnh phà này kết thúc vì cầu đã được xây xong vào tháng 5-1886. Theo Frédéric Hulot, thực tế giá xây dựng mỗi kilômet đường sắt khổ 1.000mm Sài Gòn – Mỹ Tho này đã lên đến 175.000 franc.
Và tuyến đường sắt liên tỉnh đầu tiên của nước Việt đã hình thành, thay đổi hẳn tư duy giao thông của người Việt vào cuối thế kỷ 19 chỉ với hai phương tiện duy nhất là ngựa và ghe thuyền. Nó cũng chính là con đường sắt thứ hai được người Pháp cho ra đời ở nước ngoài sau 13km đầu tiên đặt tại Pondichéry, khu vực thương điếm Pháp tại Ấn Độ, vào tháng 12-1879…
Theo TT
GIAO THÔNG VIỆT NAM
Dù đã lùi vào quá khứ, nhưng tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho vẫn còn sống động trong ký ức bao người. Không chỉ là cơ sở thử nghiệm mà nó còn là cảm hứng để thực hiện thành công kỳ tích của thế kỷ với con đường sắt xuyên Việt…
Kỳ tới: Thời vàng son