Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông ai có thực quyền cao hơn? Những trường hợp nào thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt?

357

Cho tôi hỏi thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông ai có nhiều quyền hơn? Những trường hợp nào thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt? Anh Thụ đến từ Thanh Hóa thắc mắc.

Những trường hợp nào thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt?

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT quy định về những trường hợp thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt cụ thể như sau:

Các trường hợp dừng phương tiện đường bộ

Thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau đây:

1. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:

a) Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;

b) Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;

c) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;

d) Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

Theo đó, thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng xe trong trường hợp phát hiện phương tiện có các dấu hiệu:

– Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;

– Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;

– Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;

– Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ.

Như vậy, ngoài 4 trường hợp trên, thanh tra giao thông chỉ được dừng xe khi có cảnh sát giao thông hoặc lực lượng công an khác.

Đồng thời, trong trường hợp lực lượng Công an chưa bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe, Thanh tra Sở thực hiện việc dừng xe, lập biên bản vi phạm, xử phạt các hành vi vi phạm theo chỉ đạo tại Chỉ thị 11/CT-BGTVT.

Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông ai có thực quyền cao hơn? Những trường hợp nào thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt? (Hình từ Internet)

Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông ai có thực quyền cao hơn?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về những trường hợp mà cảnh sát giao thông được dừng phương tiện cụ thể như sau:

Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

– Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo đó, cả thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông đều có quyền dừng xe đang lưu thông để xử phạt.

Tuy nhiên, thanh tra giao thông chỉ được dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến công trình đường bộ như đã nêu tại quy định bên trên.

Cảnh sát giao thông có quyền dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến trật tự an toàn giao thông.

Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu nào?

Đối với quy định về việc việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông thì tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định cụ thể như sau:

Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau:

– An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

– Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm Cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a Khoản này và yêu cầu sau đây:

Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng;

Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ;

– Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b Khoản này và yêu cầu sau đây:

Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.

Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!