Giao thông đường bộ: Cấm gì? Thu gì?

1209

Giao thông Việt nam – Không thể để những kẻ rút ruột công trình cứ việc đút tiền vào túi cá nhân và những đoàn xe “quá tải” cứ phá nát cầu đường, rồi buộc người dân phải nộp “phí” ngày càng tăng để bảo trì đường bộ! 

LTS: Giao thông đường bộ, phí giao thông, cấm loại xe nào ở các đô thị lớn… lâu nay là đề tài quan tâm của dư luận xã hội nhưng cũng là vấn đề tranh cãi chưa bao giờ ngã ngũ. Đủ biết, tính “nan giải” của giao thông, ở góc độ quản lý.

Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của bạn đọc Nguyễn Ngọc Hùng. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây.
Và rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, các chuyên gia, và bạn đọc gần xa về một vấn đề nóng bỏng tính thời sự.

Mới đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia trao đổi với báo giới về chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giải quyết “vấn nạn giao thông” tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay. Trong nội dung ý kiến của ông Hiệp có việc “cấm hẳn xe gắn máy ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh “thu phí bảo trì đường bộ”.

Lộ trình cho việc… cấm!

Đành rằng ý kiến “phải cấm hẳn xe gắn máy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” như ông Hiệp nói tới nghe rất “sốc”. Nhưng không có cách nào khác nữa. Phải hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, kể cả ô tô (trong một thời gian nào đó).

Người dân sẽ bị ảnh hưởng đến quyền chính đáng của mình về sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng buộc phải chấp nhận để chung tay với Nhà nước giải quyết vấn nạn này đã. Nếu không kịp thời quyết liệt từ bây giờ, thì cái quyền chính đáng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng không có đường (nghĩa đen) để mà thực thi nữa!

Vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra. Từ năm 2000, đã có một cuộc tranh luận trên nhiều tờ báo ở TP Hồ Chí Minh. Từ đó, cho đến năm 2008, liên tiếp có mấy lần rộ lên tranh luận nữa, tập trung vào đề tài xe gắn máy. Nhưng lãnh đạo Nhà nước những năm ấy chưa nhận thức được hiểm hoạ lâu dài, còn đưa ra những quyết sách khuyến khích phát triển xe gắn máy tại nước ta, dẫn đến tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” như hiện nay.

Với số lượng quá lớn người sử dụng xe gắn máy hằng ngày không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện sinh sống (như “xe ôm”), cần phải có một lộ trình để người dân tự sắp xếp lại kế sinh nhai của mình.

Tôi đề nghị Quốc hội quyết định ngay tại kỳ họp gần nhất trong năm nay về một lộ trình 10 năm để tiến đến cấm hoàn toàn lưu hành xe gắn máy tại nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng với các thành phố trực thuộc TƯ khác, (hiện nay là Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng).

Bắt đầu thực hiện ngay việc không đăng ký xe gắn máy mới tại các thành phố này, không đăng ký chuyển nhượng xe gắn máy từ các địa phương khác vào các thành phố lớn. Những xe gắn máy đã đăng ký tại các thành phố này được sử dụng tối đa 10 năm nữa là hết hiệu lực.

Nếu quyết định này được chính thức triển khai thực hiện, thì người dân sẽ tự điều chỉnh để sau 10 năm hoàn toàn thích nghi với việc không dùng xe gắn máy tại các thành phố lớn. Việc này cũng sẽ buộc các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe gắn máy phải điều chỉnh cho phủ hợp với thị trường bị thu hẹp.

Nếu giảm thiểu được nạn rút ruột công trình và nạn xe quá tải, thì chẳng cần đến thu phí bảo trì, bởi đường xá, cầu cống sẽ bớt hư hỏng nhanh chóng như vẫn diễn ra hằng ngày. Công sức, nhân lực và ngân sách dự định để tổ chức việc thu phí bảo trì đường bộ nên chuyển sang tập trung giải quyết nạn rút ruột công trình và xe quá tải.

Nhà nước cũng phải có kế hoạch tổng thể về phương tiện giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng phù hợp,  chỉ còn phương tiện ô tô cá nhân, giao thông công cộng tại các đô thị lớn.

Với ô tô cá nhân, trong hoàn cảnh hiện nay nên có những “đối sách giai đoạn” để hạn chế lưu thông trong nội đô các thành phố lớn, vì không còn đường để chạy, không có nơi để đỗ.

Những đối sách này thể hiện ở việc nâng cao tất cả các loại “phí” liên quan đến việc đăng ký mới và lưu hành ô tô cá nhân trong một thời gian nào đó, có lẽ cũng là 10 năm. “Đối sách” loại này sẽ gây phiền hà cho nhiều người khi nghĩ đến mua xe ô tô và sẽ có tác dụng khiến số người muốn mua xe ô tô giảm đáng kể.

Xe gắn máy không phải thủ phạm…

Nhưng không nên đặt ra phí lưu hành đối với xe gắn máy, nhất là với mục đích “bảo trì đường bộ”. Bản thân xe gắn máy không gây ra hư hỏng cầu đường. Nếu thu phí bảo trì đường bộ như dự định (500.000 VNĐ/xe/năm) thì bất công với một bộ phận đông đảo người lao động bình thường và người nghèo sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại và kiếm sống.

Ai cũng biết chuyện “rút ruột công trình” là một vấn nạn phổ biến trong tất cả các công trình xây dựng ở nước ta, trong đó rất nghiêm trọng ở các dự án giao thông. Đây chính là nguyên nhân tệ hại nhất gây ra hư hỏng nghiêm trọng các công trình đường xá, cầu cống.

Nguyên nhân nghiêm trọng thứ hai là vi phạm về “quá tải” trong vận tải hàng hoá. Cần phải kiên quyết chấm dứt ngay hai nguyên nhân chính khiến chất lượng công trình giao thông không đảm bảo và xuống cấp nhanh chóng.

Không thể để những kẻ rút ruột công trình cứ việc đút tiền vào túi cá nhân và những đoàn xe “quá tải” cứ phá nát cầu đường, rồi buộc người dân phải nộp “phí” ngày càng tăng để bảo trì đường bộ!

Nếu giảm thiểu được nạn rút ruột công trình và nạn xe quá tải, thì chẳng cần đến thu phí bảo trì, bởi đường xá, cầu cống sẽ bớt hư hỏng nhanh chóng như vẫn diễn ra hằng ngày. Công sức, nhân lực và ngân sách dự định để tổ chức việc thu phí bảo trì đường bộ nên chuyển sang tập trung giải quyết nạn rút ruột công trình và xe quá tải.

Cầu đường sẽ bớt hư hỏng, con người cũng bớt hư hỏng và đông đảo người dân không phải nộp phí để “buộc phải chọn phương tiên khác”!

Nguyễn Ngọc Hùng

Theo báo Tuần việt nam.net

======================

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON

Luật sư Nguyễn Minh Long

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn