Người tham gia giao thông khi bị dừng xe có được xem chuyên đề của CSGT

992

Nhiều tài xế tỏ thái độ khó chịu với CSGT khi bị dừng xe, yêu cầu lực lượng chức năng phải xuất trình kế hoạch, chuyên đề mới hợp tác.

Gần đây, dự luận bức xúc về việc nam tài xế ôtô ở Lạng Sơn không mang theo giấy tờ, từ chối kiểm tra nồng độ cồn và livestream việc xử phạt. Khi xuống xe, tài xế có biểu hiện sử dụng rượu bia, yêu cầu tổ công tác mang các chuyên đề, kế hoạch công tác để xem và chụp ảnh. Nam tài xế liên tục sử dụng điện thoại ghi hình, phát trực tiếp trên Facebook hơn một giờ với lời lẽ thiếu tôn trọng lực lượng làm nhiệm vụ.

Hiện nay, khi bị dừng xe để kiểm tra hành chính, chưa cần biết đúng sai thế nào, rất nhiều tài xế đã lập tức tỏ thái độ khó chịu với CSGT, thậm chí yêu cầu lực lượng chức năng phải xuất trình kế hoạch, chuyên đề tuần tra, kiểm soát thì mới chịu hợp tác. Điều đáng nói, hành vi này không chỉ diễn ra nhỏ lẻ mà ngày một xuất hiện nhiều hơn.

Tất cả bắt nguồn từ một vài video ghi lại cảnh người điều khiển phương tiện cãi lý với CSGT được lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua. Coi vậy là hay, không ít người đã học theo như một câu “thần chú hộ mệnh” mỗi khi bị CSGT dừng xe. Họ không ngần ngại cãi tay đôi với lực lượng chức năng, rút điện thoại ra quay phim, ghi hình để gây sức ép với những người thi hành công vụ.

Sở dĩ nhiều người có yêu cầu này là bởi tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có quy định về nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: “Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện…”.

Theo quy định trên, đây là những nội dung bắt buộc phải công khai với người dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người vi phạm có thể vin vào quy định này để gây sức ép, đòi lực lượng CSGT xuất trình chuyên đề, kế hoạch. Điều 6 Thông tư 67 quy định các hình thức công khai của Công an nhân dân.

1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Vì thế, thay vào đòi xem trực tiếp, công dân có thể tìm hiểu về các kế hoạch, chuyên đề qua các kênh khác như tại: cổng thông tin điện tử; trang thông tin điện tử của cơ quan công an; công báo; trụ sở cơ quan công an; các phương tiện thông tin đại chúng; khi tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí…

Hãy là một công dân hiểu biết pháp luật trước khi nghĩ đến chuyện lách luật để chống đối. Ranh giới giữa một người biết luật và “ngáo luật” đôi khi rất mong manh, nếu không tỉnh táo, bạn rất có thể tự biến mình thành một kẻ vô pháp. Và đương nhiên, chẳng có luật pháp nào lại bảo vệ những hành vi sai trái như vậy cả.

Giải mã hiện tượng dân đòi CSGT cho xem chuyên đề

Hình ảnh một số CSGT núp lùm, xử phạt cứng nhắc, tự ý lập chốt chặn bắt vi phạm… vô tình tạo tâm lý nghi ngờ, không phục, chống đối.

Hiện nay, tình trạng giao thông ngày càng quá tải, nhất là tại các thành phố lớn. Tốc độ phát triển các phương tiện giao thông quá nhanh so với việc mở thêm các tuyến đường, quy hoạch chưa đồng bộ và ý thức kém của người tham gia giao thông… dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng liên miên. Điều đó anh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, gây tốn kém về thời gian cũng như các nguồn lực của xã hội.

Chính vì vậy, vai trò của CSGT là rất quan trọng trong việc điều tiết giao thông và xử phạt những hành vi vô ý thức. Như vậy, CSGT có hai chức năng chính: điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện di chuyển; xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh các chiến sĩ CSGT đứng giữa trời nắng hay mưa lạnh để điều tiết giao thông, đêm hôm vẫn phải xử lý những hành vi đua xe của đám thanh niên vô ý thức, hay giải quyết những vụ tai nạn giao thông khắp nơi…

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số hình ảnh chưa đẹp như: núp lùm sau những gốc cây, cột điện, góc phố… để rình bắt những người vi phạm. Về lý, hành động này đúng, nhưng những hình ảnh đó lại gây phản cảm, làm xấu đi sự oai phong, uy nghiêm của những người hành pháp. Về vấn đề này, từng có một số vị lãnh đạo ngành thừa nhận và hứa sẽ khắc phục.

Ngoài ra, có trường hợp cân nhắc xử lý giữa tình và lý cũng chưa thỏa đáng như việc một số tuyến đường mới cắm biển đã xử phạt ngay. Việc biến báo có tác dụng ngay lập tức sau khi cắm, theo luật thì hoàn toàn đúng. Nhưng với những người dân hay di chuyển qua đoạn đường đó, việc cắm biển mới sẽ gây bất ngờ, bối rối vì bản thân họ không hề được báo trước. Như vậy, người dân cần được thông báo, nhắc nhở, làm quen với biển mới một thời gian trước khi bị xử phạt.

Khi người dân chẳng may vi phạm lỗi do không cố ý, rất cần đến vai trò của những chiến sĩ CSGT hướng dẫn, nhắc nhở người dân làm quen với biển mới cắm. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít lần tôi chứng kiến việc CSGT đã kiên quyết xử phạt vi phạm theo luật định với những người dân khi biển chỉ mới cắm được ít ngày. Điều đó gây ức chế cho người tham gia giao thông, họ sẽ thấy oan ức và suy nghĩ không hay về lực lượng chức năng.

Thêm vào đó, việc thỉnh thoảng CSGT ra quân theo những chuyên đề, chặn và kiểm tra các phương tiện giao thông để xử lý sớm những hành vi vi phạm là rất cần thiết, nhất là những dịp Lễ, Tết… số người lái xe sử dụng rượu, bia là không ít. Nhưng các chuyên đề chỉ nên có khi mà tình hình giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Còn nếu lạm dụng thường xuyên sẽ gây cản trở giao thông, tốn kém thời gian của xã hội …

Tóm lại, CSGT có hai chức năng, nhiệm vụ chính là: đảm bảo an toàn giao thông và xử lý những hành vi vi phạm. Rất mong đừng quá tập trung vào chức năng thứ hai mà quên đi nhiệm vụ thứ nhất.

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn