Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

1562

Chi tiết Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

  • Chủ thể của tội phạm:

+ Chủ thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng (theo quy định tại điều 12 Bộ luật Hình sự ).

+ Là những người tham gia giao thông đường bộ; theo khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người tham gia giao thông gồm: người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”, như vậy ta thấy về chủ thể của tội phạm đã được mở rộng hơn, bao gồm tất cả những người tham gia giao thông đường bộ.luat su

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).

+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hiện nay trên một số sách báo có đề cấp đến hình thức “lối hỗn hợp” và thường lấy hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ làm ví dụ cho trường hợp lỗi hỗn hợp như: Cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả.

Một số trường hợp khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, các Toà án cũng nhận định rằng người bị hại cũng có lỗi và coi trường hợp người bị hại có lỗi cũng là lỗi hỗn hợp ( cả hai bên đều có lỗi).

  • Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

+  Hành vi khách quan:

Các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Và vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

+ Hậu quả:

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là tội phạm có cấu thành vật chất. Do vậy, hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 260.

+ Mối quan hệ nhân quả:

Hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả (tai nạn giao thông) gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Nếu thiệt hại không phải do hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì không cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

+ Các dấu hiệu khách quan khác:

hương tiện giao thông đường bộ; địa điểm (nơi vi phạm là công trình giao thông đường bộ)… Việc xác định các dấu hiệu khách quan này là rất quan trọng, là dấu hiệu để phân biệt giữa tội phạm này với các tội khác.Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật giao thông đường bộ gồm “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ”.

Lưu ý:

+ Chỉ những tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trực tiếp gây ra, còn những thiệt hại gián tiếp không tính là thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội như: Do bị thương nên phải chi phí cho việc điều trị và các khoản chi phí khác (mất thu nhập, làm chân giả, tay giả, mắt giả…). Mặt dù các thiệt hại này người phạm tội vẫn phải bồi thường nhưng không tính để xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội.

+ Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản mà người phạm tội gây ra là thiệt hại đối với người khác, nên không tính thiệt hại mà người phạm tội gây ra cho chính mình.

* Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự

Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Văn bản hướng dẫn:

  • Hướng dẫn khoản 1 về “hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX  của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự)

  1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộquy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự.

  • Hướng dẫn điểm a khoản 2 “Không có giấy phép lái xe theo quy định”

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX  của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Điều 1. Giải thích từ ngữ

  1. Không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn quy định tại điểm a khoản 2 các điều 202, 208, 212; khoản 1 các điều 205, 211, 215, 219 Bộ luật hình sự là một trong những trường hợp sau đây:
  2. a) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
  3. b) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
  4. c) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm chỉ huy, điều khiển phương tiện đó.

* Cần chú ý khi áp dụng tình tiết không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn:

– Thời hạn sử dụng của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp được tính từ ngày cấp phép đến khi hết hạn ghi trên giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó (hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó).

– Trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đã bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn mà cần tiếp tục chỉ huy, điều khiển phương tiện nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

 – Hướng dẫn điểm b khoản 2 “sử dụng rượu, bia, chất ma túy và chất kích thích khác”

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX  của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông

  1. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sựđược hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
  2. a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
  3. b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
  4. c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.