Dừng xe trên cầu để chụp ảnh bị phạt bao nhiêu tiền?

714
Nhiều người vô tư dừng, đậu xe trên cầu để chụp ảnh mà không biết rằng dừng, đậu xe trên cầu là vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt bằng tiền.

Ngày 1/9, cây cầu Bạch Đằng với tổng đầu tư hơn 7000 tỷ đồng nối giữa TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh chính thức được khánh thành.

Theo Moitruong.net.vn phản ánh, sau khi thông cầu, nhiều người dân hiếu kỳ đã dừng đỗ xe ngay trên cầu để ngắm cảnh và chụp ảnh dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vậy, theo quy định của pháp luật giao thông thì hành vi dừng xe trên cầu để hóng mát, chụp ảnh bị xử lý thế nào?

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khái niệm dừng xe, đỗ xe được giải thích như sau: Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.

Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Trong đô thị người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, ngoài việc phải chấp hành các quy định trên còn phải tuân theo các quy định sau: Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Đặc biệt là không được dừng xe, đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở ùn tắc giao thông.

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

Quy định xử phạt hành chính đối với hành vi dừng xe trên cầu được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi dừng xe, đỗ xe trên cầu sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu dừng xe, đỗ xe gây tai nạn giao thông thì bạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Trường hợp người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Nếu dừng xe, đỗ xe trên cầu mà gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

Cầu Bạch Đằng giúp việc kết nối đường cao tốc liên hoàn giữa Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn được rút ngắn hơn 50 km, tạo động lực phát trển kinh tế không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà cho toàn bộ khu vực phía Bắc.

Cầu Bạch Đằng có quy mô dài hơn 3 km gồm phần cầu chính dây văng và phần đường dẫn dài hơn 1.9 km, kết câu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8.

Phần cầu chính dây văng có kết cấu 3 trụ tháp chính, trụ giữa cao 99.74 m, hai trụ tháp bên cao 94.5m, với bốn nhịp cầu dây văng.

Đây là cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất Việt Nam. Mặt cầu rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, dự phòng nâng cấp thành 6 làn xe, phục vụ lưu thông với vận tốc 100 km/giờ.