Để chống ùn tắc giao thông, từ nay đến 2015 Hà Nội sẽ xây dựng 2 tuyến đường trên cao và phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng. Trước mắt, trong năm 2011, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo và mở rộng hàng loạt tuyến đường hướng tâm, nhằm hạn chế ùn tắc.
Chiều 21/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong năm 2010 vừa qua, mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn nhưng toàn thành phố vẫn còn hơn 60 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.
Sở dĩ có điều đó là do đường sá của thủ đô chật chội; trong khi đó, mỗi tháng thành phố lại có thêm 4000 chiếc xe ô tô các loại được đăng ký mới (mỗi ngày trên 100 xe) và khoảng 1 vạn xe máy tham gia giao thông. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố hiện đang có 3,6 triệu chiếc xe máy và 350.000 chiếc ô tô dẫn đến quá tải cho các tuyến đường.
Ông Giám đốc Sở cho biết, để từng bước giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, thành phố đang triển khai đồng thời 7 nhóm giải pháp nhằm tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của giao thông nội đô, trong đó, sẽ ưu tiên tập trung giải quyết một số tuyến đường vành đai, hướng tâm và đường trên cao.
Ông Hùng cho biết, hiện Sở này đang lên phương án trình thành phố kế hoạch mở rộng xây dựng hệ thống giao thông của thành phố, trong đó, đề xuất xây dựng 2 tuyến đường trên cao.
“Thành phố đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ xây dựng 2 tuyến đường trên cao đó là đường vành đai 2 và 3. Riêng tuyến đường vành đai 1 sẽ không xây dựng đường trên cao để giữ cảnh quan chung của thành phố”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Giám đốc Sở, thực chất việc xây dựng đường trên cao đang được thành phố triển khai ở tuyến vành đai số 3 đoạn từ cầu Thanh Trì đến Linh Đàm và đã mang lại tác dụng tích cực, giúp giảm tải cho các tuyến đường phía Nam thành phố.
Đề cập đến việc hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, ông Giám đốc Sở cho biết, thành phố không chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân như một số nước trên thế giới đã làm mà sẽ mở rộng đường sá, hệ thống giao thông công cộng để người dân tự lựa chọn phương thức vận chuyển cho thích hợp. Đây cũng là một cách để hạn chế phương tiện cá nhân.
Để từng bước phát triển hệ thống giao thông công cộng, hiện Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố đang đầu tư triển khai xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh và tuyến tàu điện ngầm Nhổn – Ga Hà Nội.
Theo ông Giám đốc Sở, để triển khai được các công việc trên, trong 5 năm tới (2011 – 2015), Hà Nội cần khoảng 10 tỉ USD để phát triển hạ tầng. Trước mắt, trong năm 2011, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, mở rộng các quốc hướng tâm như QL 1A cũ từ Văn Điển – Cầu Giẽ, QL 6 từ Ba La – Xuân Mai; QL3 cũ, QL2 (Phủ Lỗ – Bắc Thăng Long); Trục Tây Thăng Long (qua Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây) và Hoàng Quốc Việt kéo dài.
Trong năm nay, thành phố xác định một số trục chính đô thị quan trọng để đầu tư như Ô Chợ Dừa – Voi Phục – Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; Hoàn chỉnh tuyến Cát Linh – La Thành – Thái Hà, Văn Cao – Hồ Tây; Núi Trúc – Sơn Tây; Bảo tàng Dân tộc học – Phú Đô – Yên Thành – Thái Hà…
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo các đường quốc lộ hướng tâm, đường cao tốc, tạo điều kiện cho phân luồng từ xã gồm: QL 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên; Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn; Tuyến trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam; Tuyến trục phía Nam; Đường Nhật Tân – Nội Bài; Vành đai cầu Thanh Trì đến Hưng Yên, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đường Lê Văn Lương kéo dài.
Thành phố cũng cải tạo chống xuống cấp đồng bộ trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường nội đô nhằm tăng cường lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông như: Đường 417 (83), đường 429 (73), QL21B, đường Phù Đổng, Đông Hội, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, đường 412 (90)…
(Theo VnMedia)