Khẩu quyết ‘nhất chớm’ trong giao thông có đúng luật?

1592

Bất kỳ một ai học và thi bằng lái xe cũng đều ghi nhớ nằm lòng khẩu quyết “nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng”.

Khẩu quyết trên có thể gọi là câu “thần chú” trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều lái xe khi đi ra đường. Nếu xảy ra va chạm, hoặc tranh cãi, các lái xe đều dùng câu “thần chú” này để hoá giải tranh chấp. Với một thời gian dài qua nhiều thế hệ được dạy dỗ như vậy, gần như chẳng một ai đặt câu hỏi căn cứ pháp luật của câu “thần chú” này như thế nào. Thay vào đó, mọi người mặc nhiên là nó đúng.

Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem nó có căn cứ thế nào?

Nhì ưu: có nghĩa rằng xe ưu tiên có quyền đi trước các xe khác. Căn cứ có thể dễ dàng được tìm thấy tại khoản 1 điều 22 luật GTĐB 2008, quyền ưu tiên cho một số loại xe như sau:

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

Tam đường: có nghĩa rằng xe đi trên đường ưu tiên có quyền đi trước xe khác. Căn cứ có thể được tìm thấy ngay ở khoản 3 điều 24 – Nhường đường tại nơi giao nhau:

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Tứ hướng: có nghĩa rằng xe đi tới từ phía bên phải sẽ được ưu tiên đi trước, nếu nút giao không có báo hiệu vòng xuyến. Trong trường hợp có báo hiệu vòng xuyến thì xe đi từ phía bên trái sẽ được ưu tiên đi trước. Căn cứ pháp luật thể hiện ngay tại khoản 1, khoản 2 điều 24 – Nhường đường tại nơi giao nhau:

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòngxuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái.

Nhất chớm, có nghĩa xe vào giao lộ trước được đi trước, nhưng riêng tình huống này tôi lại không thể tìm thấy quy định nào trong luật Giao thông đường bộ có thể làm cơ sở.

Nếu như nhất chớm không có căn cứ pháp luật, phải chăng chúng ta đang được dạy sai luật? Hoặc nếu có luật nào diễn giải cho điều này, nhờ các bạn tư vấn giúp. Xin cảm ơn.

Độc giả Nguyễn Văn Tuấn