Nam tài xế đánh người nhắc nhở dừng đèn đỏ có dấu hiệu 2 tội danh

1034

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc nam tài xế xe bán tải đánh người sau khi bị nhắc nhở vì dừng ôtô đèn đỏ quá lâu có dấu hiệu tội gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Như tin đã đưa, ngày 31.12.2020, sự việc nam tài xế xe bán tải đánh người sau khi bị nhắc nhở vì dừng đèn đỏ quá lâu khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm và bức xúc.

Ngày 3.1, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã làm rõ nghi phạm là Vũ Ngọc Long (48 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), làm nghề tự do.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Long cho hay, hành vi của tài xế trước hết xâm hại trực tiếp tới sức khỏe, danh dự của nạn nhân. Cụ thể, nạn nhân bị gãy răng, rách trán và phải nhập viện cấp cứu.

Ngoài ra, luật sư Long cho rằng, hành vi đó còn gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng và an toàn giao thông. Đây là hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm minh.

Theo ông Long, hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS 2015.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng axít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm…

Luật sư cho rằng, việc tài xế đánh, đấm liên tục vào người nạn nhân và bỏ mặc nạn nhân sau đó thỏa mãn tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Theo quy định, nếu nạn nhân có Đơn yêu cầu khởi tố và kết quả giám định thương tật của nạn nhân trên 1% đến 11% thì có thể khởi tố nam tài xế theo điểm I khoản 1 điều 134 BLHS 2015.

Ngoài ra, ông Long cho rằng, xem xét hành vi của nam tài xế cũng có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 BLHS.

“Việc xem xét chế tài xử lý hành vi của nam tài xế phụ thuộc vào quá trình điều tra của Cơ quan công an để đánh giá”, luật sư Long nói.

Theo ông Long, qua sự việc trên, cho thấy việc xây dựng văn hóa giao thông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông cần có thói quen cư xử có văn hóa; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.

VIỆT DŨNG (laodong)