Sau 25 năm đổi mới, cùng với những thành tựu về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước thì những gì mà ngành GTVT đã và đang làm được là rất đáng trân trọng.
Tôi cho rằng, bất cứ người dân bình thuờng nào từ nông thôn đến thành thị cũng có thể cảm nhận được những giá trị đích thực trong cuộc sống hàng ngày mà ngành GTVT đã đem lại. Đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và kiến thiết cơ bản, mở rộng các loại hình dịch vụ vận tải…
Nhưng ngành GTVT cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách như: khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa, số lao động tự do nhập cư vào thành phố gia tăng chóng mặt, phương tiện giao thông tăng trưởng nóng, cơ sở hạ tầng chật hẹp, nạn tắc đường ngày càng nghiêm trọng.
Như chúng ta đều biết, đất nước trải qua 30 năm chiến tranh tàn phá, Đảng và Nhà nước đã phải tập trung nhiều nguồn vốn để khắc phục và từng bước hiện đại hóa mạng lưới giao thông. Nhiều văn bản pháp luật như Luật Giao thông, các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư được ban hành để quản lý nhưng tai nạn giao thông vẫn gia tăng, hành lang giao thông vẫn bị lấn chiếm.
Người dân coi đường giao thông, vỉa hè như sân nhà mình. Hàng ngày, vẫn thấy cảnh phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều. Rồi việc tháo gỡ dải phân cách, đập phá biển chỉ đường, đèn phản quang, gương lồi cắm ở những đường đèo, dốc, nơi nguy hiểm được coi là chuyện bình thường, không bị trừng phạt…
Nhiều phụ huynh không nghiêm khắc với bản thân mà vượt đèn đỏ, khi tắc đường thì mạnh ai nấy chen dù biết là vi phạm và gây nguy hiểm cho người khác. Chính vì vậy đã làm cho lực lượng CSGT hàng ngày làm việc quá vất vả, nhất là vào những giờ cao điểm. Có lẽ ít nước nào huy động nhiều lực lượng chức năng ra đường như chúng ta, ngoài CSGT, CSTT còn có cả dân phòng, cựu chiến binh, thanh niên tình nguyện.
Từ thực tế trên, tôi thấy đã đến lúc cần có một cuộc vận động mang tầm quốc gia sâu rộng nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông. Cuộc vận động này cần đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự tham gia của các cấp.
Cần lấy tổ dân phố, thôn xóm làm đơn vị học tập, có chỉ đạo rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra toàn quốc. Phải đi vào thực tế chứ không hô hào, hình thức, xử phạt phải nghiêm minh không để tình trạng người dân hối lộ CSGT để bỏ qua vi phạm như hiện nay. Việc thông báo danh sách người vi phạm giao thông về địa phương cũng đang làm nửa vời, không hiệu quả.
Chúng ta đã có bài học về chấp hành đội mũ bảo hiểm và cấm đốt pháo, lúc đầu triển khai cũng nhiều ý kiến băn khoăn, dư luận trái chiều nhưng Chính phủ và các địa phương đồng lòng kiên quyết nên đã thành công. Vì vậy tôi nghĩ, nếu Chính phủ quyết tâm triển khai cuộc vận động làm chuyển biến nhận thức của người dân, làm thật kiên quyết, triệt để, liên tục thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Sau đó, chúng ta sẽ giải quyết đến những vấn đề bức xúc khác như giải bài toán hạ tầng.
Với góc độ một người dân, tôi viết lên những cảm nhận này, với mong muốn hình ảnh ngành GTVT trong sự nghiệp đổi mới sẽ mãi mãi thiện cảm trong con mắt người dân và Luật Giao thông thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày, bảo đảm an toàn và sự bình yên cho mỗi nguời, hạnh phúc cho mỗi nhà.
(Sưu tầm)