Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy lại tăng. Theo các chuyên gia về giao thông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng TNGT đường thủy tăng chủ yếu là do ý thức của chủ phương tiện và hành khách chưa tuân thủ đúng các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa.
Vì vậy, để phòng ngừa, hạn chế TNGT đường thủy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng
Ở Việt Nam, sản lượng hàng hóa vận tải đường thủy nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn. Bên cạnh đó, với mạng lưới sông, kênh rạch đa dạng, vận tải hành khách đường thủy cũng là một phương thức vận tải quan trọng. Tuy nhiên, đặc thù của loại hình giao thông đường thủy là luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, nhất là vào mùa mưa, lũ. Các tuyến giao thông đường thủy hiện nay hầu hết vẫn dựa vào điều kiện sẵn có của tự nhiên như luồng lạch, dòng chảy, chế độ thủy văn, nên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi mưa, lũ, tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT. Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng. Điển hình như tháng 5-2020, 11 thanh niên ở thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau đi thuyền qua sông Thu Bồn. Khi quay trở về, đến giữa sông thì gặp lốc xoáy gây lật thuyền, hậu quả làm chết 5 người. Ngày 16-7-2021, tại tuyến sông Đáy thuộc xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) xảy ra vụ TNGT đường thủy khi phương tiện đâm va vào nhau. Hậu quả, một phương tiện bị chìm, một người tử vong, nhiều thuyền viên bị thương nặng…
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 8 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 32 vụ TNGT đường thủy, làm 22 người chết, 1 người bị thương. Từ thực tế cho thấy, TNGT đường thủy có xu hướng gia tăng vào những ngày mưa bão do đâm, va ở các vị trí giao thông trọng điểm, các vị trí cầu vượt sông. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng các giải pháp bảo đảm ATGT nhằm hạn chế thấp nhất các vụ TNGT đường thủy trong mùa mưa bão.
Cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện chấp hành nghiêm các quy định trên tuyến sông Hồng. |
Tuyên truyền đi đôi với tăng chế tài xử phạt
Khảo sát thực tế tại Tuyên Quang chúng tôi nhận thấy với đặc điểm địa hình miền núi phức tạp cùng hai con sông chính là sông Lô và sông Gâm, hiện nay toàn tỉnh có 33 bến thủy với gần 1.000 phương tiện đăng ký hoạt động, lưu lượng phương tiện khá cao nên nguy cơ TNGT đường thủy luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, nguy cơ này càng gia tăng khi các phương tiện lưu thông trong mùa mưa bão, lưu thông vào ban đêm mà không đủ đèn chiếu sáng, gặp chướng ngại vật trên sông. Có mặt tại bến đò ngang thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi thấy các phương tiện chở khách đường thủy ở đây đều tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn. Trung tá Đào Việt Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Nhằm bảo đảm ATGT đường thủy, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định; không chở quá số người quy định; người đi trên phương tiện phải mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh…”. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hà Nội cũng đã tích cực tổ chức tuần tra, kiểm soát gắn với việc tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định bảo đảm ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến khách ngang sông.
Để bảo đảm ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, sở giao thông vận tải và lực lượng chức năng các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm giao thông trên các tuyến đường thủy sát với thực tiễn; bố trí lực lượng ứng trực để chủ động xử lý các tình huống. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tích cực chỉ đạo các đơn vị và thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác điều tiết khống chế, thường trực cứu hộ, cứu nạn và chống va trôi tại các vị trí cầu vượt sông xung yếu. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị thẩm định tờ trình dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP. Dự thảo nhằm bổ sung một số hành vi vi phạm mới phát sinh và chế tài xử lý phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bảo đảm sự răn đe đối với hành vi vi phạm, khắc phục các khó khăn, bất cập đang tồn tại.
Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng, vấn đề căn cốt nhất nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện và hành khách tham gia giao thông.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG – THU THỦY