Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào?

1529

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Hoàng Sa là của Việt Nam – những minh chứng lịch sử

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, điều đó đã được minh chứng bằng những tài liệu lịch sử có sức thuyết phục. Những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam phải kể đến là tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại (1926-1945) viết trên giấy cỡ 21,5x31cm, một phần trong đó mang nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vừa được nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy, bàn giao cho Bộ Ngoại giao hôm 26/6.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trái) trao tờ Châu bản gốc cho đại diện Bộ Ngoại giao. Ảnh giadinh.net

Tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại được tìm thấy tại Phủ Ngọc Sơn công chúa (con gái vua Đồng Khánh và là em ruột vua Khải Định), có nội dung: Vào ngày 10/2/1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”.

Đến ngày 15/2/1939, Tổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên hoàng đế Bảo Đại để nhà vua duyệt và nhà vua đã phê vào văn bản là “chuẩn y”. Một lần nữa văn bản này khẳng định, dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quân đồn trú Pháp – Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu

Thêm vào đó là sắc chỉ của triều đình Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm. Đã được hậu duệ của dòng họ Đặng, ông Đặng Văn Thanh trao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi 1835). Đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sắc chỉ này là bằng chứng lịch sử khẳng định mỗi năm vua Minh Mạng đều cho thành lập một hải đội gồm các thợ lặn thiện chiến nhất ở Lý Sơn giong buồm đến Hoàng Sa để tìm hải vật và cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này.

Từ sắc chỉ này, theo nghiên cứu của giới sử học Quảng Ngãi, công việc bảo vệ Hoàng Sa thời xưa kéo dài suốt nhiều năm và rất nhiều hải đội người Việt đã nối tiếp nhau có mặt ở quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tộc họ Đặng mà ở huyện đảo Lý Sơn còn có các tộc họ Võ, Phạm, Nguyễn… cũng liên tiếp nhau đến Hoàng Sa – Trường Sa theo lệnh của triều đình

Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng).

Và mới đây nhất cũng từ tủ sách gia đình tại phủ của Công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại) ở 31 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế, nhà Huế học Phan Thuận An vừa tìm thấy thêm một Châu bản của triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông Phan Thuận An : Tờ Châu bản này khẳng định thêm một lần nữa là trước khi diễn ra Thế chiến thứ 2 và quân đội Nhật tấn công, xâm chiếm vùng châu Á – Thái Bình Dương, đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc thì Hoàng Sa vẫn trở lại thuộc chủ quyền của nước ta như cũ”.

Ông Nguyễn Văn Đức

Và qua lời kể của ông Nguyễn Văn Đức, 35 năm trước cùng các cộng sự vượt trùng dương đến với Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là canh giữ biển trời Tổ quốc với chức vụ là đảo trưởng theo lệnh của Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà. Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi. Theo lời ông Đức có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió. Và một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo.

Ngoài ra, trên đảo còn có một tấm bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930.

Đến năm 1974, Trung Quốc là nước có tranh chấp với Việt Nam và đã chiếm đóng trái phép quần đảo này.

Những người con đã hy sinh vì đất nước mãi mãi được vinh danh

Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa – một phần máu xương của Tổ quốc Việt Nam. Theo lời kể của ông ông Lữ Công Bảy – quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4 thì vào thời điểm ấy phía Trung Quốc đã cho người bí mật làm những nấm mộ giả trong mộ không có xương cốt, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo.

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu VN trên đường ra Hoàng Sa – Ảnh tư liệu

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo của Việt Nam. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)…

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Và trận hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra ngày 19-1-1974.

Cả ngày 17 và 18-1-1974, biển Đông dậy sóng. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến nửa đêm 18-1, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã ra đến nơi chi viện. Đêm ấy, bầu trời Hoàng Sa tối đen như mực, một đêm cực kỳ căng thẳng.

Sơ đồ các hướng tấn công trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974

Nhiều người con của Việt Nam đã hy sinh anh dũng để giành lại lãnh thổ nước nhà. Những chiến sỹ bị thương nguyện chiến đấu đến cùng để bảo vệ Hoàng Sa, Ông Lữ Công Bảy nhớ lại: Tình hình bắt đầu căng thẳng, báo hiệu một trận đụng độ sinh tử không thể nào tránh khỏi.

Phía Trung Quốc nổ súng trước. Vào lúc 8g30, một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Tiếp đó, hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi, trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương, báo cáo: HQ-10 đã bị trúng đạn, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương, hạm phó Thành Trí trọng thương ngay bụng. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương rất nặng.

HQ-4 và HQ-5 quay đầu về hướng nam. Sau đó một giờ không còn thấy HQ-5 ở đâu. HQ-5 do máy yếu và một máy bị sự cố chưa kịp khắc phục nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển HQ-4 trở nên lẻ loi một mình. Đó cũng là lúc hải quân Trung Quốc tung xuống một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm gần đó và từ căn cứ ở đảo Hải Nam. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, hạm trưởng Vũ Hữu San đã vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.

Ông Lữ Công Bảy

Lúc này tôi mới rời được đài chỉ huy. Trên đường xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… Hơn 130 binh sĩ bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn.

Ngay sau đó, tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo: “Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”. Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử hy sinh cho dân tộc Việt Nam.

Tôi vào phòng hải đồ phía sau đài chỉ huy mệt lả và thiếp đi, đến khi thức dậy trời tối hẳn, trung sĩ nhất giám lộ Khiết cho biết tàu đang quay đầu về Đà Nẵng. Anh nói hạm trưởng San báo cáo thẳng với tư lệnh hải quân là HQ-4 không còn khả năng chiến đấu, lương thực cạn, cơ số đạn không còn đủ để tác chiến, các khẩu đại bác đều có trục trặc… Lệnh từ đất liền: các tàu quay về, hủy bỏ lệnh tấn công tái chiếm Hoàng Sa.

Những người con anh dũng hy sinh cho dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi được ghi công, các anh đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của đất nước, nguyện quyết tử đến cùng để giành lại một phần máu xương của Tổ quốc, các anh hy sinh vì quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam. Riêng với những chiến sỹ may mắn sống sót trong trận chiến sinh tử năm 1974 như ông Lữ Công Bảy , Nguyễn Văn Đức lại luôn đau đáu một nỗi niềm, như ông Đức đã từng nói : “Tôi sợ những bạn trẻ sẽ quên, sẽ không biết và không nhớ về Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974”. Có lẽ đó không phải điều trăn trở của riêng ông.

* Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VN quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.

* Ngày 20-1-1974, ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng sa.

* Trong khi đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của VN.

* Sau ngày miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của VN. Và ngày 5-6-1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam VN đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền VN, từ trước đến nay đều do người VN quản lý.

 

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn