Thông tư số: 09/2010/TT-BGTVT ngày 06/04/2010 quy định về bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

1232

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH 11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ về việc Quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. HHBảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu của các hoạt động xây dựng tới môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học trong hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

2. Báo cáo môi trường là việc lập và cung cấp các thông tin có liên quan đến số liệu, dữ liệu các thành phần môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên về trữ lượng, giá trị sinh thái, giá trị kinh tế; về các tác động đối với môi trường; về chất thải, mức độ ô nhiễm, suy thoái và thông tin về các vấn đề môi trường khác do cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH,

KẾ HOẠCH  PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Điều 3. Bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

1. Tổ chức được giao chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển; Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 8 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT).

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 (sau đây gọi là nghị định số 80/2006/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008  của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 21/2008/NĐ-CP).

Chương III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG  ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Điều 4. Bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP; Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT và tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP. Đối với các dự án không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm gửi bản sao văn bản kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về Bộ Giao thông vận tải trước khi phê duyệt dự án đầu tư hoặc quyết định đầu tư.

3. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phải được đưa vào hồ sơ mời thầu, đơn vị trúng thầu phải cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung bảo vệ môi trường theo báo cáo đã được phê duyệt.

4. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm bố trí kế hoạch, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập dự án đầu tư và được coi là một bộ phận của dự án. Kinh phí bảo vệ môi trường của dự án gồm kinh phí thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án theo qui định của pháp luật.

Điều 5. Bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

1. Chủ đầu tư dự án phải hướng dẫn và yêu cầu nhà thầu thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt.

2. Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng và thực hiện các công việc sau:

a) Định kỳ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo tiến độ triển khai xây dựng của dự án;

b) Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường để chỉ đạo thực hiện thường xuyên và ứng phó kịp thời các sự cố môi trường xảy ra trong quá trình xây dựng.

c) Kế hoạch bảo vệ môi trường là một phần quan trọng trong kế hoạch công tác của đơn vị và phải được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, công nhân viên trong cơ quan biết, thực hiện;

3. Nhà thầu, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

4. Công tác bảo vệ môi trường của nhà thầu, đơn vị thi công thành viên gồm các hoạt động cơ bản sau:

a) Nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường; cập nhật và phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho người sử dụng lao động, người lao động;

b) Quản lý vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải (gồm cả bụi), chất thải nguy hại, chất thải thông thường, chất thải sinh hoạt, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng, các yếu tố gây ô nhiễm khác từ quá trình xây dựng và triển khai dự án. Các chất thải phải được kiểm soát và xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường;

c) Thực hiện công tác giám sát môi trường, định kỳ quan trắc các chất thải, không khí, nước, tiếng ồn, rung và yếu tố khác gây ô nhiễm môi trường do hoạt động xây dựng trong quá trình triển khai dự án; thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải và kiểm soát ô nhiễm đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường;

d) Thực hiện ghi chép và lưu giữ thông tin hiện trạng của các thiết bị, hệ thống, công trình xử lý chất thải;

đ) Quản lý chất thải nguy hại theo Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại và Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại;

e) Chủ động lập kế hoạch, phương án và cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường;

g) Các hoạt động sản xuất của cơ sở dịch vụ trong quá trình thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cần từng bước áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn trong tất cả các công đoạn xây dựng bao gồm:

– Quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, vận hành phương tiện vận tải, thiết bị, máy  xây dựng; ngăn ngừa rò rỉ, thất thoát nguyên liệu, nhiên liệu nhằm giảm tổn thất năng lượng;

– Nghiên cứu áp dụng thiết bị công nghệ mới tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường; cải tiến thiết bị, công nghệ hiện có để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu nhằm hạn chế phát tán chất thải gây ô nhiễm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

– Tái sử dụng, tái chế chất thải trong hoạt động xây dựng để sử dụng cho mục đích có ích ngay tại cơ sở sản xuất; tận dụng phế liệu, phế thải xây dựng kết hợp với thành quả nghiên cứu khoa học hoặc công nghệ mới để tạo thành những sản phẩm có ích, phù hợp quy chuẩn và bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường;

– Khuyến khích áp dụng những giải pháp khai thác và sử dụng nguyên vật liệu xây dựng thiên nhiên một cách hợp lý, hiệu quả về kinh tế, cân bằng môi trường sinh thái;

– Cập nhật, lưu trữ, báo cáo môi trường theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này;

h) Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường trong toàn bộ quá trình triển khai dự án; chú trọng công tác phục hồi môi trường sau khi hoàn công (còn gọi là công tác hoàn nguyên môi trường);

i) Khuyến khích nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.000.

Điều 6. Trích lập Quỹ Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp

Khuyến khích các nhà thầu, đơn vị thi công thành lập Quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật Bảo vệ môi trường.

Chương IV

CÔNG TÁC KIỂM TRA, BÁO CÁO  MÔI TRƯỜNG

Điều 7.  Chế độ báo cáo

1. Báo cáo môi trường của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông  được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần, khi kết thúc dự án và tổng hợp định kỳ 5 năm một lần để phục vụ báo cáo môi trường tổng hợp của toàn ngành trong báo cáo môi trường quốc gia.

2. Tổng cục Đường bộ, các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban Quản lý dự án, Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo môi trường thuộc thẩm quyền quản lý của mình về tình hình bảo vệ môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

3. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi tổng hợp báo cáo môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền và địa bàn quản lý.

4. Các cơ quan đơn vị thuộc khoản 2 và khoản 3 của Điều này có trách nhiệm gửi báo cáo môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang thực hiện về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31 tháng 12 hàng năm (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1) để tổng hợp và báo cáo theo quy định của pháp luật. Báo cáo phải gửi bằng văn bản và qua thư điện tử.

5. Các nhà thầu, đơn vị thi công có trách nhiệm gửi báo cáo môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do đơn vị mình thực hiện về chủ đầu tư dự án để tổng hợp và báo cáo theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều này ( theo mẫu quy định tại Phụ lục 2).

6. Trong trường hợp đột xuất, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công báo cáo hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản. Đơn vị được yêu cầu báo cáo có trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 8. Thông tin và nội dung báo cáo môi trường của nhà thầu, đơn vị thi công

1. Báo cáo môi trường hàng năm và đột xuất của nhà thầu, đơn vị thi công không được coi là thông tin bí mật và phải được công khai khi có yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Nhà thầu, đơn vị thi công và tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung, thông tin trong báo cáo môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung và thông tin trong báo cáo cũng như hậu quả do cung cấp những thông tin sai lệch gây ra.

Điều 9. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

1. Tổng cục Đường bộ, các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban Quản lý dự án, Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Bộ và các Sở Giao thông vận tải phải xây dựng kế hoạch kiểm tra và thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý của mình. Kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, đơn vị quản lý được thực hiện như sau:

a) Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phải được xây dựng hàng năm và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải;

b) Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo định kỳ phải được thông báo trước cho nhà thầu, đơn vị thi công bằng văn bản trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc tính từ ngày đơn vị nhận được thông báo;

c) Nội dung kiểm tra gồm việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và việc thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, trường hợp có yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan trực thuộc Bộ và nhà thầu, đơn vị thi công trong quá trình thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Chương V

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI TRONG VIỆC THỰC HIỆN

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 10. Trách nhiệm của nhà thầu, đơn vị thi công

1. Thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra, báo cáo về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của cơ quan quản lý cấp trên.

3. Nghiêm chỉnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và nội dung về bảo vệ môi trường trong Quyết định phê duyệt dự án.

4. Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các vấn đề môi trường phát sinh do hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

5. Phòng ngừa, hạn chế các tác động tiêu cực đối với môi trường từ các hoạt động xây dựng, thi công hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ công trình.

Điều 11. Quyền lợi của các nhà thầu, đơn vị thi công

1. Có quyền đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển, Quỹ Bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư để ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường theo quy định hiện hành.

2. Được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn trong quá trình thực hiện xây dựng các dự án, chương trình giảm thiểu chất thải, tái chế, tái sử dụng; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 14.001; áp dụng sản xuất sạch hơn; sản xuất, sử dụng sản phẩm được cấp nhãn sinh thái và sản phẩm thân thiện với môi trường theo cơ chế hiện hành, phù hợp quy định của pháp luật.

3. Được hỗ trợ nâng cao nhận thức về quản lý môi trường, các công cụ quản lý môi trường và các thông tin về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

4. Được quảng cáo miễn phí thương hiệu và sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp trên website của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 12. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ, các Cục Quản lý chuyên ngành, Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định của Thông tư này.

2. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong đơn vị thành viên.

3. Có bộ phận, cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; báo cáo về Bộ Giao thông vận tải các thông tin liên quan tới công tác bảo vệ môi trường của cơ quan mình.

4. Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý.

5. Hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện báo cáo hiện trạng môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 2.

6. Có quy định về bảo vệ môi trường áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân tham gia vào công tác thi công dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu của Bộ

1. Vụ Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ môi trường các công trình, dự án thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và các quy định tại Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

b) Định kỳ hàng năm báo cáo lãnh đạo Bộ việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổ chức thẩm định các công việc liên quan đến báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ theo quy định của pháp luật;

d) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được phê duyệt ;

đ) Xác nhận Chủ dự án đã thực hiện các nội dung của báo cáo, Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (nếu có) trước khi dự án đi vào vận hành, khai thác;

e) Hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường; theo dõi và giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường trong suốt quá trình lập dự án, thi công và khai thác các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

g) Giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường và bảo vệ môi trường với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay nước ngoài thuộc lĩnh vực Bộ Giao thông vận tải quản lý, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về  bảo vệ môi trường trong nước và các yêu cầu khác của nhà tài trợ.

2. Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định của Thông tư này.

3. Vụ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Môi trường, Vụ Tài chính bố trí kế hoạch, kinh phí theo quy định hiện hành về lĩnh vực môi trường của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

4. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chủ trì phối hợp với Vụ Môi trường kiểm tra việc tuân thủ công tác bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện chương trình quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm của các dự án trong quá trình xây dựng dự án theo đề xuất trong hồ sơ dự thầu đã được chấp thuận của nhà thầu.

Điều 14 . Trách nhiệm của cơ quan địa phương

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại các nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý; tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra về môi trường, chủ động nắm tình hình, diễn biến môi trường tại các công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong địa bàn để có những biện pháp quản lý, phối hợp và thực hiện phù hợp.

2. Các Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan xây dựng và triển khai chương trình kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và xử lý các vấn đề môi trường của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền và địa bàn quản lý.

ChươngVI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Cục trưởng các Cục chuyên ngành, Thủ trưởng các cơ quan, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

– Như Điều 16;

– Văn phòng Chính phủ;

– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Các Thứ trưởng;

– Cục Kiểm tra văn bản QPPL(Bộ Tư pháp);

– Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;

– Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;

– Công báo;

– Lưu:VT, MT.

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn