Việc lập biên bản vi phạm giao thông trong trường hợp vắng chủ phương tiện được quy định như thế nào?

349

Cho tôi hỏi, việc lập biên bản vi phạm giao thông trong trường hợp vắng chủ phương tiện được quy định như thế nào? Trường hợp, bạn tôi mượn xe và bị Cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản phạt vi phạm thì tôi có bị phạt vì là chủ xe không?

Biên bản vi phạm giao thông phải có những nội dung gì?

Căn cứ vào khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về lập biên bản vi phạm hành chính như sau:

“4. Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;

b) Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;

c) Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

d) Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;

đ) Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;

e) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

g) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);

h) Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);

i) Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;

k) Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;

l) Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.”

Theo đó, biên bản vi phạm giao thông cần có các nội dung cơ bản nêu trên.

Việc lập biên bản vi phạm giao thông trong trường hợp vắng chủ phương tiện được quy định như thế nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 30 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt

2. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“5. Ký biên bản vi phạm hành chính:

a) Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

b) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”

Theo đó, pháp luật quy định 2 trường hợp khi lập biên bản vắng mặt chủ phương tiện như sau:

– Trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông thì người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm với tư cách là người chứng kiến.

– Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 33 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 79. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm:

a) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 của Nghị định này;

b) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ;

c) Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương;

d) Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải;

đ) Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định này khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ.”