Công ty Luật Dragon: “Xây đường trên cao là hợp lý”

1153

Trong hoàn cảnh quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, việc xây dựng đường trên cao là hợp lý để giải tỏa ách tắc giao thông đô thị ngày càng trầm trọng.

Đó là ý kiến của một số chuyên gia khi trao đổi với Đất Việt về đề xuất xây dựng 6 tuyến đường trên cao do Sở GTVT Hà Nội xây dựng. Theo các chuyên gia, ở nhiều nước trên thế giới, phương án làm đường trên cao được sử dụng như một giải pháp tận dụng mặt bằng, không gian và nhiều trường hợp tạo cảnh quan đẹp mắt.

Tránh được chi phí lớn

TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, cho biết trước đây trong quy hoạch chung cho Hà Nội cũng có những tuyến đường đã có đường trên cao. Các trục đường chính của Hà Nội như Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở, Cầu Giấy đều đã đề cập. Ở Hà Nội càng cần xây dựng đường trên cao bởi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp và mật độ giao thông ngày càng lớn. Do vậy, việc xây dựng đường trên cao tại Hà Nội là điều nên làm.

Đường trên cao có thể sẽ giải quyết được nạn tắc đường ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Đồng tình quan điểm này, TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), cho biết phương án làm đường trên cao được nhiều nước trên thế giới sử dụng như một giải pháp tận dụng mặt bằng, không gian và nhiều trường hợp còn tạo cảnh quan đẹp mắt. Ở những nước này, phương án xây dựng đường trên cao thường tính đến những yếu tố như: mức độ ảnh hưởng cảnh quan đô thị, mức độ hình thành khu đô thị, mật độ dân cư khu vực dự kiến xây dựng đường trên cao, mức độ đường giao cắt… Theo TS Phạm Thúy Loan, với một số tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông quá đông đúc như đoạn đường từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở – Cầu Giấy hoặc tuyến Kim Giang – Lê Trọng Tấn – Tôn Thất Tùng – Phạm Ngọc Thạch – Ga Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc, nên việc xây dựng đường trên cao là cần thiết.Kỹ sư Đỗ Đình Nguyên, Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị, cũng cho biết phương án làm đường trên cao là hợp lý và cũng không còn cách nào khác. Việc mở rộng đường qua những khu vực trọng điểm từ cầu Vĩnh Tuy – Cầu Giấy cũng không khả thi vì dân cư đông đúc. Theo ông Nguyên, nếu tính đến các phương án làm đường ngầm dưới mặt đất cũng khó thực hiện vì nền địa chất khu vực Hà Nội yếu, dễ ngấm nước. “Kinh nghiệm của hầm Kim Liên cho thấy việc làm công trình ngầm trên địa bàn Hà Nội sẽ đội chi phí bảo dưỡng, sửa chữa…”, ông Nguyên nói.

Đảm bảo mỹ quan đô thị

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kiến trúc, cũng cho rằng cho rằng mục đích xây dựng đường trên cao là tránh tình trạng phương tiện ngoại tỉnh tham gia vào giao thông nội đô. “Trong các quy hoạch đô thị thường phải tính đến phương án đấu nối với giao thông bên ngoài. Điều này là cần thiết”, ông Hanh nói và cho rằng kinh nghiệm thực tế ở các nước như Nhật, Hongkong, Đài Loan, Thái Lan… cho thấy đường trên cao vừa giảm ách tắc giao thông mà vẫn đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, TS Trần Trọng Hanh cũng cho rằng việc làm đường trên cao có thể xuyên qua những quận nội thành, nhưng phải có quy hoạch và có những nút giao thông vào nội đô, phù hợp mạng lưới giao thông diện rộng.

TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông, khẳng định hệ thống đường trên cao chắc chắn có ảnh hưởng mỹ quan, môi trường sống đô thị. Vì vậy, khi xây dựng, Hà Nội phải nghiên cứu kỹ tác động đến môi trường và có giải pháp hạn chế như rào chắn bằng tường bê-tông ở tuyến trên cao. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cách này để giảm tiếng ồn và bụi gần khu dân cư. “Việc khảo sát đoạn đường nào có thể xây dựng đường trên cao cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, nếu làm không cẩn thận thì hậu quả là đường trên cao được thông thoáng, song 2 đường dẫn lên xuống lại ùn tắc, hệ lụy là cả tuyến cùng tắc”, TS Khuất Việt Hồng nói.

(sưu tầm)