Những điều bạn cần biết nếu muốn tự đăng ký xe ô tô mới

4960

Đăng ký xe ô tô là một quá trình bắt buộc đối với bất kỳ người sở hữu xe nào. Tuy vậy, không phải ai cũng nắm rõ các bước, quy trình làm thủ tục để đăng ký xe ô tô. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong vấn đề này.  

Trước tiên, cần hiểu rõ đăng ký xe là gì và việc đăng ký xe có tác dụng như thế nào?. Có thể hiểu một cách đơn giản, đăng ký xe chính là thủ tục bắt buộc đối với bất cứ chủ xe nào. Giống như các loại giấy tờ chứng thực quyền sở hữu khác, Giấy đăng ký xe sẽ xác thực quyền sở hữu của bạn trên phương tiện đó, khẳng định chủ quyền và tài sản cá nhân thuộc về bạn. Để hoàn tất thủ tục đăng ký xe mới, bạn sẽ cần hoàn thành đầy đủ các bước theo quy trình dưới đây.

Bước 1: Đóng thuế trước bạ

– Đối với trường hợp tên đăng ký xe là Cá nhân: Nộp thuế trước bạ tại Chi cục thuế Quận/Huyện nơi có hộ khẩu thường trú.

– Đối với trường hợp tên đăng ký xe là Công ty tư nhân: Nộp thuế trước bạ tại Chi cục thuế Quận/Huyện nơi có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Tại cơ quan thuế, người mua xe sẽ được các cán bộ thuế hướng dẫn những thủ tục và tờ khai chi tiết. Sau khi hoàn tất việc đóng thuế trước bạ, người mua xe nhận biên lai chứng nhận từ cơ quan thuế và mang toàn bộ hồ sơ gốc về.

Mức đóng thuế trước bạ năm 2020:

– Đối với chủ xe con đăng ký tại Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ: 12%.

– Đối với chủ xe con đăng ký tại Hà Tĩnh: 11%.

– Đối với chủ xe con đăng ký tại TP.Hồ Chí Minh: 10%.

– Đối với chủ xe bán tải đăng ký tại Hà Nội: 7,2%.

– Đối với chủ xe bán tải đăng ký tại các tỉnh/thành khác: 6%.

Những loại giấy tờ cần chuẩn bị để đóng phí trước bạ ô tô:

– Hoá đơn mua bán giữa đại lý và người mua xe (Bản gốc).

– Hoá đơn mua bán giữa đại lý và nhà sản xuất (Bản gốc).

– Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe do nhà sản xuất cung cấp (Bản gốc).

– Căn cước công dân/CMND và Hộ khẩu nếu người mua xe là cá nhân (Photo).

– Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu người mua xe là công ty tư nhân (Photo).

Bước 2: Đăng ký xe ô tô

Sau khi hoàn tất quá trình đóng thuế trước bạ, người mua xe cần đưa xe và các hồ sơ liên quan tới trụ sở Phòng Cánh sát giao thông đường bộ tại địa phương nơi cư trú. Tại đây, người mua xe sẽ làm các bước theo thứ tự:

– Nộp hồ sơ.

– Chờ kiểm tra xe.

– Nộp lệ phí đăng ký.

– Bấm biển số (tự động).

– Lấy biển số.

– Lấy giấy hẹn ngày nhận Giấy đăng ký xe.

Thời gian nhận đăng ký xe ô tô mới thường trong khoảng 3 ngày làm việc. Ngoài ra, sau khi nhận đủ giấy tờ đăng ký xe ô tô mới, chủ xe cần chủ động kiểm tra lại các thông tin in trên giấy tờ, nếu có sai sót kịp thời báo với cơ quan chức năng để điều chỉnh.

Chi phí cho thủ tục đăng ký xe ô tô, cấp biển số xe ô tô mới (Đối với các dòng xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi):

– Tại Hà Nội: 20 triệu đồng.

– Tại TP.Hồ Chí Minh): 11 triệu đồng.

– Khu vực II: 1 triệu đồng.

– Khu vực III: 200 nghìn đồng.

Những loại giấy tờ cần dùng để đăng ký xe ô tô, nhận cấp biển số ô tô:

– Tờ khai Đăng ký xe có dán bản cà số khung, số máy.

– Tờ khai thuế trước bạ và biên lai đóng thuế.

– Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe do nhà sản xuất cung cấp (Bản gốc).

– Hoá đơn GTGT của Đại lý bán xe xuất cho khách hàng (Bản chính).

– Tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu đối với các xe ô tô nhập khẩu từ nước ngoài (Bản chính).

– Căn cước công dân/CMND và Hộ khẩu nếu người mua xe là cá nhân (Photo).

– Giấy phép đăng ký kinh doanh và Giấy giới thiệu cho người đăng ký xe nếu người mua xe là công ty tư nhân (Photo).

Bước 3: Đăng kiểm và đóng bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ 

Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký xe và nhận biển số tại Phòng CSGT đường bộ, người mua xe cần đưa xe tới các Chi cục đăng kiểm để kiểm định. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 90 điểm đăng kiểm. Do vậy, người mua xe có thể tìm hiểu thông tin nơi đăng kiểm trên mạng Internet dễ dàng. Bên cạnh đó, thông thường tại nơi đăng kiểm sẽ bán kèm cả Bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe ô tô. Bạn có thể mua bảo hiểm trực tiếp tại đây để tiết kiệm thời gian cũng như có được mức giá bán đúng quy định.

Những loại giấy tờ cần dùng để đăng kiểm xe ô tô:

– Giấy đăng ký xe hoặc giấy hẹn (Bản chính).

– Bộ số sườn, số máy.

– Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe do nhà sản xuất cung cấp (Bản gốc).

– Giấy giới thiệu đăng ký vào đơn vị vận chuyển (Đối với xe kinh doanh vận chuyển hành khách).

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Chi phí cho việc đăng kiểm, đóng bảo hiểm và phí bảo trì đường bộ của xe ô tô:

– Phí Đăng kiểm: Hiện nay, mức phí đăng kiểm dành cho các ô tô du lịch dưới 10 chỗ ngồi đang được niêm yết ở mức 340.000 đồng.

– Bảo hiểm dân sự bắt buộc: Tùy từng loại xe mà mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ khác nhau, dao động từ hơn 400.000 đồng tới hơn 4.000.000 đồng.

– Phí Bảo trì đường bộ: Mức đóng phí bảo trì đường bộ được quy định theo hạn mức thời gian từ 6 tháng tới 30 tháng. Đối với xe ô tô du lịch dưới 10 chỗ ngồi, số tiền phải đóng tương ứng từ 780.000 đồng tới 3.660.000 đồng.

Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)

 

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn