Bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn: có được giảm nhẹ tội?

10199

Tai nạn giao thông luôn để lại nỗi đau về cả tinh thần và tài sản. Vậy nên, sau khi gây ra tai nạn chết người, người gây tai nạn thường đến nhà người bị hại để bồi thường. Nhưng có phải đó chỉ đơn thuần là do người gây tai nạn ân hận, muốn làm dịu đi nỗi đau của gia đình người bị hại?

Bản án 284/2018/HS-PT ngày 16/11/2018 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ sẽ minh họa cho nội dung trên. Cụ thể:

“ Khoảng 08 giờ 30 phút, ngày 10/11/2017, Mã Văn A có giấy phép lái xe hợp lệ, điều khiển ôtô tải biển số 60C-078.65, lưu thông trên quốc lộ 1A, theo hướng từ huyện TB đi thành phố Hồ Chí Minh. Khi đến đoạn KM 1863, thuộc khu phố 4, phường TB1, thành phố P, đây là khu vực đông dân cư, có biển báo nguy hiểm 235 (đường đôi), đoạn đường nhựa thẳng, tổ chức lưu thông 02 chiều, có vạch sơn phân chia 02 chiều đường. Chiều đường xe A lưu thông rộng 9.1 mét chia làm 03 làn xe. A điều khiển xe trên làn đường thứ 3 tính từ lề phải (theo chiều đi của A). Lúc này phía trước cùng chiều có ông Nguyễn Hoàng L đi bộ sang đường theo chiều phải sang trái (theo chiều đi của A). Do không chú ý quan sát, không giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm ở khu vực đông dân cư và không nhường đường cho người đi bộ qua đường nên đầu xe ôtô của A đã va chạm vào ông L gây tai nạn. Hậu quả làm ông L bị thương nặng và tử vong.

Quá trình điều tra Mã Văn A và chủ xe biển số 60C – 078.65 đã bồi thường cho gia đình bị hại Nguyễn Hoàng L số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng), đại diện theo ủy quyền của gia đình ông L đã có đơn yêu cầu không khởi tố hình sự đối với bị cáo A.”

Tòa án đã xử phạt bị cáo Mã Văn A 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời gian thử thách là 02 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Các tội xâm phạm an toàn giao thông nói chung và về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ nói riêng xảy ra thường xuyên trong cuộc sống và gây nhiều đau thương, mất mát cho xã hội về người và tài sản. Hầu hết các tội này gây ra do người vi phạm vô ý, cẩu thả hoặc quá tự tin trong việc tham gia giao thông chứ không phải do cố ý.

Ông A trong vụ án trên cũng như vậy nên sau khi gây tai nạn, ông A và chủ xe đã bồi thường cho gia đình người bị hại 100 triệu đồng. Việc bồi thường của ông A cho thấy ông A muốn đền bù thiệt hại về tinh thần cho người thân của người bị hại, đồng thời thể hiện sự ăn năn, hối hận của bản thân về việc đã làm. Nhưng hơn nữa, sau khi bồi thường xong, ông A có thể có thêm 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hướng tới giảm bớt thời hạn phạt tù và có thể được Tòa án cho hưởng án treo.

Việc bồi thường cho gia đình người bị hại, ông A sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Hơn nữa, sau khi bồi thường, gia đình người bị hại có làm đơn yêu cầu không khởi tố hình sự đối với ông A. Trong thực tế, nhiều Tòa án coi đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy sau khi bồi thường thiệt hại, ông A có có thể có đến 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, ông A thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi thì được hưởng thêm 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cộng thêm với không có tình tiết tăng nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì ông A đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để hưởng án treo theo Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP:

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tòa án căn cứ vào các điều trên, xét thấy thấy không cần cách ly ông A ra khỏi xã hội nên đã cho ông A được hưởng án treo. Việc này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và tạo điều kiện đối với những cá nhân không may phạm tội, giúp họ có điều kiện sữa chữa lỗi lầm. Bản án cũng là một lời nhắc nhở để ông A sau này có thể tránh lặp lại lỗi lầm của mình.

Quang Chính