Hệ thống cảnh báo lệch làn đường và hỗ trợ giữ làn đường là gì?

888

Chệch làn đường là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vụ tai nạn ô tô. Hệ thống cảnh báo chệch làn và hỗ trợ giữ làn đường sẽ giúp tài xế nhận biết và chủ động tránh được rủi ro.

 

Những dòng xe cao cấp hiện nay hầu hết đều được trang bị hệ thống cảnh báo chệch làn và hỗ trợ giữ làn đường. Hai hệ thống này có tác dụng cảnh báo và hỗ trợ điều hướng khi xe vô ý lấn làn mà không bật xi nhan, tránh va chạm giao thông với người và phương tiện xung quanh.

Hệ thống cảnh báo chệch làn là gì?

Hệ thống cảnh báo chệch làn (LDW) là một hệ thống cảnh báo người lái khi xe chuẩn bị rời khỏi làn xe hiện tại. Trong khi đó, LKA được xây dựng trên nền tảng của LDW với việc chủ động điều chỉnh để xe quay trở lại đúng làn đang di chuyển. Theo thống kê của Cơ quan An toàn giao thông quốc gia của Mỹ (NHTSA), có tới 37% số vụ tai nạn chết người có liên quan đến vấn đề chệch làn đường. Chính vì thế, các hệ thống như LDW hay LKA là vô cùng hữu dụng, ngay cả khi đôi lúc có thể khiến người lái xe cảm thấy khó chịu.


Hệ thống cảnh báo chệch làn (LDW) là một hệ thống cảnh báo người lái khi xe chuẩn bị rời khỏi làn xe hiện tại

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDW thường sử dụng các âm thanh bíp, tín hiệu rung hoặc các biểu tượng hình họa để báo hiệu cho lái xe về việc chạm vạch hoặc có nguy cơ chạm vạch phân làn khi người lái xe chưa bật đèn báo rẽ. Công nghệ ô tô mới này chủ yếu sử dụng camera để nhận diện những đường kẻ màu trắng hoặc màu vàng nhằm phân tích và đánh giá tình hình trước khi đưa ra cảnh báo. Một số nhà sản xuất cũng sử dụng cảm biến lazer gắn với mũi xe hay thậm chí là tia hồng ngoại.

Hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường là gì?

Hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA là một biết tiến xa hơn với việc kiểm xoát bánh xe khi sử dụng hệ thống đánh lái trợ lực điện để giữ cho ô tô đi đúng làn. Một số hệ thống được kết hợp với công nghệ giám sát hành chính thích ứng hoặc giám sát hành trình sử dụng radar để gia tăng mức độ an toàn. Giống với LDW, LKA sẽ được tạm ngắt trong trường hợp lái xe bật đèn báo rẽ hoặc khi xe đang tăng tốc để vượt một xe khác.


Hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường LKA

Một số hệ thống lại được vận hành theo cơ chế phản ứng, tức là bánh xe chỉ được điều chỉnh sau khi xe đã rời khỏi làn hiện tại. Trong khi đó, một số khác lại hoạt động theo cơ chế chủ động, giữ cho xe đi vào giữa làn (những hệ thống kiểu này còn được biết đến với tên gọi lane centering assist – LCA).

Mặc dù rất hữu ích nhưng tất cả các hệ thống giám sát và kiểm soát làn xe đều bị hạn chế với việc nhận biết vạch kẻ làn, đặc biệt là tại các tuyến đường đang thi công và trong tình trạng thời tiết xấu.

Thực tế, các công nghệ này mới chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ an toàn cho lái xe chứ chưa phải công nghệ lái tự động. Chính vì vậy, hãy chắc chắn là bạn tỉnh táo khi lái xe ngay cả khi chiếc xe đó đã được trang bị công nghệ cảnh báo chệch làn đường – LDW hay tính năng hỗ trợ duy trì làn đường – LKA đi chăng nữa.

Các hệ thống hỗ trợ lái dễ trở nên “vô dụng” khi trời mưa

Khả năng quan sát của con người bị giảm đi đáng kể khi trời mưa, và tiếc là các hệ thống hỗ trợ lái hiện đại cũng vậy.

Các hệ thống hỗ trợ lái sẽ khó phát huy tác dụng khi trời mưa.

Khảo sát do Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) thực hiện cho thấy, các hệ thống hỗ trợ lái vốn có thể giúp xe tự phanh và chạy đúng làn đường bị ảnh hưởng khá lớn khi trời mưa.

Các nhà nghiên cứu của AAA phát hiện ra rằng trong nhiều cuộc thử nghiệm mô phỏng trời mưa lớn, hệ thống phanh khẩn cấp tự động đã không thể phát hiện ra các xe đang dừng đỗ phía trước, nên không kích hoạt, khiến xe đâm vào. Công nghệ hỗ trợ giữ làn cũng không khá hơn.

AAA khuyến cáo các tài xế cần luôn thận trọng khi dùng các hệ thống này, ngay cả trong những điều kiện lý tưởng; và đừng tin vào chúng khi lái xe trời mưa.

“Các hệ thống an toàn của xe hoạt động dựa vào các cảm biến và camera để xác định vạch kẻ đường, các xe khác, người đi bộ và các chướng ngại vật trên đường. Vì thế, đương nhiên là chúng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, như mưa,” ông Greg Brannon, giám đốc kỹ thuật của AAA, giải thích. “Thực tế là không phải lúc nào mọi người cũng được lái xe trong điều kiện thời tiết nắng ráo hoàn hảo. Do đó, chúng tôi phải mở rộng phạm vi thử nghiệm, xem xét các vấn đề mà con người có thể gặp phải khi lái xe hàng ngày”.

Các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến, hay ADAS, hiện khá phổ biến trên ô tô đời mới. Chúng không phải tính năng lái tự động, nhưng có thể tự thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, như kiểm soát hành trình chủ động và giữ làn. Hệ thống phanh khẩn cấp tự động đã giúp giảm số vụ va chạm trong các bài thử nghiệm của AAA.

Cụ thể, AAA đã mang một chiếc Buick Enclave Avenir, một chiếc Hyundai Santa Fe, một chiếc Toyota RAV4 và một chiếc Volkswagen Tiguan; tất cả đều là phiên bản 2020.

Trong điều kiện khô ráo lý tưởng, không có chiếc xe thử nghiệm nào đâm vào xe đang dừng trên đường. Tuy nhiên, khi AAA thử nghiệm trong điều kiện mô phỏng trời mưa, 17% dẫn tới va chạm ở tốc độ 40 km/h, còn ở tốc độ khoảng 55 km/h, tỷ lệ tai nạn là 33%.

Từ đó có thể suy ra với tốc độ xe chạy trên đường cao tốc, mối nguy hiểm sẽ tăng lên.

Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng tình huống trời mưa ảnh hưởng tới tầm quan sát của xe bằng cách sử dụng một thiết bị phun nước làm mờ các cảm biến ở kính chắn gió như trong ảnh bên dưới.

 

AAA sử dụng thiết bị phun nước làm mờ cảm biến ở kính lái để mô phỏng điều kiện trời mưa.

Bằng cách này, họ có thể giữ cho mặt đường khô ráo. AAA lưu ý rằng nếu mặt đường ướt như khi trời mưa thật thì tỷ lệ tai nạn còn cao hơn.

Với công nghệ giữ làn, thử nghiệm của AAA cho thấy tỷ lệ xe ô tô chạy đè vạch là 37% trong điều kiện lái lý tưởng, và tỷ lệ này tăng lên 69% khi trời mưa.

Đây không phải lần đầu tiên AAA thực hiện khảo sát về những hạn chế của các hệ thống hỗ trợ lái. Mặt tích cực là các cảm biến của các hệ thống này không bị ảnh hưởng nhiều khi kính lái bị bẩn.

AAA không phủ nhận khả năng của các hệ thống hỗ trợ lái, nhưng lưu ý rằng không gì có thể sánh bằng một người cầm lái tập trung. AAA đã đưa ra một số lời khuyên cho việc lái xe trời mưa như sau:

– Giữ kính lái sạch sẽ và đảm bảo rằng cần gạt nước không để lại các vệt sọc trên kính lái.

– Giảm tốc độ và hạn chế phanh gấp, cua gấp. Nếu có thể, hãy đi theo dấu các xe khác.

– Tăng khoảng cách với xe phía trước.

– Không sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình (ga tự động) để duy trì sự cảnh giác và xử lý kịp thời nếu xe bị trơn trượt trên đường.

– Nếu xe bắt đầu trượt trên mặt đường, hãy nhả chân ga để từ từ giảm tốc độ, cho đến khi cảm nhận được lốp xe bám đường trở lại hãy đánh lái theo hướng bạn muốn đi. Đừng đạp phanh vì như vậy có thể khiến bánh xe càng khó bám mặt đường.