Buôn lậu được hiểu một cách đơn giản nhất là việc đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vượt qua biên giới, không thông qua con đường chính ngạch là nhập khẩu qua các cửa khẩu hải quan theo đúng quy định của pháp luật thì đối diện với tội danh này:
1. Tội buôn lậu theo luật hình sự
Điều 153, luật hình sự năm 1999 quy định về tội buôn lậu :
1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;
c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: – 1900.599.979
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
e) Thu lợi bất chính lớn;
g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;
h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
k) Phạm tội nhiều lần;
l) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn;
c) Thu lợi bất chính rất lớn;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định của luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì:
1. Bỏ hình phạt tử hình ở các điều 111, 139, 153, 180, 197, 221, 289 và 334.
Sửa đổi cụm từ “hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành cụm từ “hai mươi năm hoặc tù chung thân” tại khoản 3 Điều 111, khoản 4 Điều 139, khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180, khoản 4 Điều 197, khoản 3 Điều 221, khoản 4 Điều 289 và khoản 4 Điều 334.
2. Điều 161 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 161. Tội trốn thuế
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
PHÂN TÍCH & BÌNH LUẬN TỘI DANH BUÔN LẬU THEO LUẬT HÌNH SỰ
Định Nghĩa: Buôn lậu là buôn bán hàng hoá qua biên giới một cách trái phép.
Tội buôn lậu là tội phạm được tách ra từ tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985, là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 coi tội phạm này là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hoá và những vật phẩm khác của Nhà nước.
So với Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, cụ thể là:
– Nếu Điều 97 quy định: buôn bán trái phép qua biên giới hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá không kể giá trị bao nhiêu cũng bị coi là tội phạm, thì Điều 153 quy định, nếu là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì phải có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng mới cấu thành tội phạm; nếu dưới một trăm triệu đồng thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc là hành vi quy định tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật hình sự, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội buôn lậu. Nếu là hàng cấm thì phải có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc hành vi quy định tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội phạm.
– Nếu Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa phân biệt hàng hoá với hàng cấm, thì Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nếu là hàng cấm thì không phải xác định giá trị mà chỉ cần xác định số lượng lớn, thì người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có số lượng chưa được coi là lớn thì người có hành vi buôn lậu phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc là hành vi quy định tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật hình sự, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội buôn lậu.
– Nếu Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, thì Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hành vi buôn lậu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì mới là hành vi phạm tội buôn lậu. Quy định này cho phép chúng ta phân biệt với các hành vi buôn lậu nhưng hàng lậu là đối tượng phạm tội đã được quy định thành tội phạm riêng. Ví dụ: buôn lậu ma tuý qua biên giới sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193; nếu buôn lậu vũ khi quân dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 230; nếu buôn lậu chất cháy, chất độc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 238 Bộ luật hình sự.v.v…
– Nếu Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ba khoản tương ứng với ba khung hình phạt, thì Điều 153, ngoài khoản 5 quy định hình phạt bổ sung thì quy định bốn khoản tương ứng với bốn khung hình phạt.
– Các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng được sửa đổi, bổ sung như: Quy định giá trị vật phạm pháp bằng một số tiền cụ thể thay cho tình tiết vật phạm pháp có giá trị lớn, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; bổ sung các tình tiết: Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; hàng phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt.
– Do cấu tạo lại thành bốn khoản nên khung hình phạt ở mối khoản cũng được sửa đổi, bổ sung như: Khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm, thì khoản 1 Điều 153 là sáu tháng đến ba năm; khoản 2 Điều 97 có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm, thì khoản 2 Điều 153 là ba năm đến bảy năm; khoản 3 Điều 97 có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, thì khoản 3 Điều 153 là bảy năm đến mười lăm năm; hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, tù trung thân hoặc tử hình được quy định tại khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999.
Trân trọng./.