4 quy định mới về thi Giấy phép lái xe cần biết

772

Năm 2022, quy định liên quan đến việc học, thi cấp bằng và sử dụng Bằng lái xe ô tô sẽ có nhiều thay đổi theo hướng quản lý chặt hơn, phạt nặng hơn nếu vi phạm.

Bắt đầu từ năm 2022, nhiều quy định liên quan đến việc học, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô sẽ có nhiều thay đổi. Ngoài việc bổ sung thêm những môn học mới, nội dung thi mới… Việc quản lý, giám sát quá trình học lái xe ô tô của học viên cũng được thắt chặt hơn nhờ các thiết bị giám sát.

dao-tao-lai-xe-o.jpg
Năm 2022, quy định liên quan đến việc học, thi cấp bằng và sử dụng Bằng lái xe ô tô sẽ có nhiều thay đổi

Dưới đây là 4 thay đổi về việc học, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô tại Việt Nam từ năm 2022 mà những học viên tham gia học, thi lấy GPLX cần biết:

1. Học lái xe với thiết bị mô phỏng

Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy định, từ 1/1/2021, tất cả các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô. Trong đó, thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô.

Như vậy, người học lái xe sẽ phải học thêm kỹ thuật lái xe bao gồm học trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và học thực hành lái xe trên ca bin học lái xe ô tô. Thời gian học các phần này được chỉ rõ tại khoản 9 và khoản 10 Điều 1 của Thông tư.

Ngoài ra, Thông tư 38 còn quy định thêm nội dung chương trình nhưng vẫn giữ nguyên tổng số giờ học.

Theo Khoản 28 Điều 1 Thông tư 38, trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định tại Điều 13, Điều 14 của Thông tư này, cụ thể:

Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; Số giờ học thực hành lái xe trên 1 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

2. Sử dụng thiết bị giám sát học viên học lái xe ô tô

Trước đây, quy định về việc trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô được yêu cầu thực hiện từ ngày 1.1.2021 theo nội dung Thông tư 38/2019/TT-BGTVT. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quy định này đã được lùi thời điểm thực hiện đến ngày 1.1.2022.

Cụ thể, theo khoản 12, điều 1 tại Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, các cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31.12.2021. Trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1.1.2022. Trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1.7.2022.

Như vậy, từ ngày 1.1.2022, việc học lái xe ô tô trên đường của học viên sẽ được quản lý kỹ hơn về thời gian và quãng đường học lái xe nhờ thiết bị giám sát.

3. Bổ sung nội dung thi sát hạch cấp GPLX

Ngoài các quy định trên, Thông tư còn bổ sung thêm nội dung khi thi sát hạch để cấp GPLX ô tô.

Theo đó, từ 1/1/2021, các Trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe. Người thi bằng lái ô tô (hạng B1, B2, C, D, E, các hạng F) sẽ phải thi thêm nội dung sát hạch lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông (máy tính có phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô).

Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ 1/5/2021.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2021, trình tự công nhận kết quả thi GPLX ô tô cũng có sự thay đổi.

Hiện nay, học viên học và sát hạch lái xe theo 3 phần: Lý thuyết – Trong hình – Trên đường trường. Song từ 1/1/2021, do bắt đầu học và thi sát hạch với thiết bị mô phỏng nên trình tự thi Bằng lái xe ô tô các hạng gồm 4 bước: Sát hạch lý thuyết; Thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; Thực hành lái xe trong hình; Thực hành lái xe trên đường.

Việc công nhận kết quả thi đối với người thi Bằng lái xe hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F cũng được quy định khá rõ: Nếu không đạt nội dung lý thuyết thì không được thi lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng; Nếu không đạt sát hạch nội dung lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng thì không được thi thực hành trong hình;

Nếu không đạt nội dung thực hành trong hình thì không được thi sát hạch lái xe trên đường; Đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành lái xe trong hình nhưng không đạt kết quả sát hạch lái xe trên đường thì được bảo lưu kết quả trong một năm.

Học viên đạt nội dung lý thuyết, lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường) được công nhận trúng tuyển và cấp GPLX.

4. Thay đổi trình tự công nhận kết quả thi bằng lái ô tô

Với việc bổ sung nội dung thi sát hạch Bằng lái xe ô tô từ ngày 1.6.2022, thứ tự thi cùng trình tự công nhận kết quả thi cũng có sự điều chỉnh. Theo đó, người thi sát hạch sẽ phải trải qua 4 nội dung thi, gồm: Sát hạch lý thuyết. Thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Thực hành lái xe trong hình. Thực hành lái xe trên đường.

Việc công nhận kết quả thi đối với người thi Bằng lái xe ô tô các hạng được thực hiện như sau: Nếu không đạt lý thuyết, không được thi lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng. Nếu không đạt nội dung lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng, không được thi thực hành trong hình. Nếu không đạt nội dung thực hành trong hình, không được thi sát hạch lái xe trên đường.

Đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành trong hình nhưng không đạt kết quả nội dung lái xe trên đường, được bảo lưu kết quả trong 1 năm. Đạt cả lý thuyết, lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường) sẽ được công nhận trúng tuyển và cấp Bằng lái xe.

Thục Anh (TH)