Giao Thông Việt Nam: Kỹ năng lái xe máy trong nội thành

1350

Đi xe máy an toàn trong nội thành

Đi làm về, đọc báo hôm 12/8/2011 thấy có tin một thanh niên còn rất trẻ chết thảm dưới gầm xe khách ở đường Phạm Hùng, Hà Nội. Thương tâm, đáng thương quá.

Lại va vào xe máy khác, ngã vào ôtô to cán… Những vụ như thế này quá nhiều và tần xuất không giảm, cứ thỉnh thoảng lại cán người và chết, hết Hà Nội lại Đà Nẵng, rồi TP HCM. Đó là những TP lớn họ đưa tin, còn ở tỉnh, ở quốc lộ, không kể hết. Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm khi đi xe máy trong thành phố và hy vọng có thể giúp ích cho mọi người.

Có một điểm những người đi xe máy gần như ai cũng biết: Xe máy không vững bằng ôtô và có nguy cơ ngã xe rất cao. Chỉ một va chạm, đặc biệt là vào tay lái bạn đã dễ dàng mất lái và ngã ra đường!

Đúng lúc ôtô từ đằng sau lao đến… Bị cán vào đầu vào người thì mất mạng, vào chân vào tay thì tàn tật suốt đời… Kịch bản đáng sợ này lặp đi lặp lại và nhiều người vẫn thiệt mạng rất thảm thương.

Tuy nhiên ít người nghĩ về vấn đề này một cách đầy đủ. Khi đã đo đường thì cơ hội của bạn chỉ còn là vận may (?)

Vẫn có những người đi xe máy cả đời ít khi gặp tai nạn. Họ quá may mắn? Tôi không tin họ được như vậy hoàn toàn chỉ là may mắn.

Tôi nhớ có lần VnExpress đăng một bài viết nói về nghiên cứu cho thấy những người hay gặp may đều có chung một điểm: họ rất hay quan sát và tìm ra điều gì đó có thể cải thiện tình hình. Có vẻ như họ đã tự tạo ra vận may cho mình.

Ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng bị xe điên đâm thì các trường hợp còn lại đều có thể đã không thiệt mạng nếu họ biết những quy tắc đi xe máy an toàn. Người đi xe máy phải làm mọi điều để:

I. Giảm thiểu xác suất bị xe ôtô cán
II. Giảm thiểu tối đa nguy cơ bị ngã ra đường

Tôi sẽ đi vào từng ý một.

I. Giảm thiểu nguy cơ bị ôtô cán

Ôtô và xe máy ở VN cùng tham gia giao thông trên cùng một đường, đi trên các làn đường dành riêng nếu là đường rộng có phân làn rõ ràng, nếu là đường hẹp thì mặc định xe máy đi phía trong, ôtô đi bên ngoài.

Do đó, sẽ có lúc xe máy của bạn phải đi song song với sườn ôtô. Hoặc sẽ có lúc bạn phải vượt phải ôtô. Các vụ tai nạn bị xe cán phần lớn rơi vào 2 tình huống này.

1. Hạn chế đi song song với sườn ôtô ở khoảng cách gần hơn 3 m

Cần hạn chế tối đa thời gian phải đi song song với sườn ôtô. Đặc biệt là khi đường hẹp, đi song song với sườn ôtô với khoảng cách nhỏ hơn 3m sẽ có nhiều rủi ro. Cách xa sườn ôtô 3 m là quá nhiều? Không xa lắm đâu.

Nếu bạn chứng kiến ai đó bị ngã xe, sẽ thấy thường tư thế nằm sấp, toàn thân nằm dài ra đường tay lao về phía trước, toàn bộ thân người từ mũi tay tới chân dài khoảng 2m, chưa kể do quán tính, khi ngã còn bị trượt đi một đoạn ra giữa đường, nguy cơ bị cán phải rất cao và đặc biệt là đầu và ngực lại ở gần tim đường dễ bị cán nhất :(.

Có nhiều người “hồn nhiên” đi song song cùng ôtô tải hoặc xe buýt ở khoảng cách chỉ 1 m. Điều này rất mạo hiểm. Chỉ một va chạm với bất cứ thứ gì (bộ hành, xe rác, xe đạp hay chính xe máy đi cùng chiều), va tay lái phía phải dẫn tới tay lái bị quặt đột ngột sang phải, quán tính làm người ngã ra hướng ngược lại bên trái, trượt ra giữa đường, và chắc chắn vừa đẹp vào bánh sau xe ôtô. Không có tài xế nào xử lý kịp tình huống này vì nạn nhân ngã vào bánh xe của họ.

Nếu thấy xe ôtô đang vượt mình, đi chậm hơn để nó vượt qua mình thật nhanh, hạn chế phải đi song song với ôtô. Nếu vì một lý do gì đó, ôtô đi cùng vận tốc với mình thì cần chủ động tăng hoặc giảm tốc độ để vượt qua nó hoặc đi hẳn phía sau nó, không đi song song. Nếu vượt qua nó rồi cũng không nên đi ngay trước mũi xe, nên cách xa mũi xe đó.

2. Hạn chế vượt ôtô hoặc bị ôtô vượt

Đi chậm quá làm cho bạn bị nhiều xe khác (trong đó có ôtô) vượt qua, đi nhanh quá sẽ phải vượt nhiều xe khác. Tốt hơn nên đi với vận tốc chung của dòng người.

Nếu thấy ôtô đằng sau (nhìn gương chiếu hậu), đi sát vào lề phải chủ động đi chậm lại cho nó vượt qua, nó vượt qua rồi bám đuôi kiên nhẫn. Tóm lại giảm thiểu thời gian phải đi song song với thân xe tải hoặc xe buýt.

3. Chỉ vượt khi chắc chắn

Phần lớn các vụ tai nạn khi vượt xe ôtô trong nội thành là các trường hợp đang vượt sườn phải thì va chạm với các phương tiện khác cùng chiều và ngã vào bánh ôtô. Vậy nếu đường quá hẹp và không đảm bảo, hãy kiên nhẫn bám đuôi và chờ đợi chứ đừng vượt.

Tuy nhiên, có lúc xe ôtô tải hoặc xe buýt đi quá chậm, bạn không thể kiên nhẫn hít khói xe, thì trước khi vượt phải chắc chắn không có xe máy nào đang chạy cùng chiều bên phải để tránh trường hợp đang vượt thì va chạm với các đối tượng này.

Đừng vượt phải ôtô cùng lúc với vượt cả xe máy xe đạp bên trong để rơi vào tình trạng kẹp giữa, chỉ một va chạm sẽ không có cơ hội nào cho bạn nữa. Ngoài ra, khi vượt phải phải chắc chắn không có nguy cơ va chạm với các xe từ trong các ngõ lao ra. Các đối tượng bộ hành đi dưới lòng đường cũng phải cẩn thận, va chạm với họ cũng làm bạn ngã xe.

Đã có rất nhiều bài học “chết người” vì vượt không an toàn. Ví dụ đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân), một con đường hẹp chỉ 1 chiều ôtô, nhưng lại là đường toàn xe siêu trường siêu trọng chạy rầm rập suốt ngày. Có thanh niên vì không thể chờ đợi bám đuôi xe container nên đã cố vượt va vào viên gạch ngã vào bánh xe.

Một con đường “tử thần” khác như Kha Vạn Cân ở TP HCM, toàn xe hàng chục tấn chạy cùng xe máy, cũng nho nhỏ kiểu như vậy. Ở những con đường đó lại có rất nhiều ngõ dân sinh và rủi ro xe từ ngõ lao ra rất cao.

Khi bạn vượt xe tải xe buýt ở những con đường hẹp như vậy là quá mạo hiểm. Tất cả chỉ phụ thuộc vào chữ “Nếu”: nếu không có xe nào trong ngõ lao ra, nếu không có viên gạch nào giữa đường, nếu không có nắp hố ga nhô cao chìa ra đường, nếu xe tải không lán sang phải, nếu thằng xe máy không chuyển hướng đột ngột…

Đừng đặt tính mạng của mình và người ngồi sau xe mình vào tay người khác! Đừng vượt khi vẫn có chữ “Nếu”.

4. Chọn lộ trình an toàn

Đường “an toàn” là những đường không thuộc nhóm đường vành đai, hoặc đường cấm xe tải xe buýt liên tỉnh hoạt động, hoặc đường có mật độ xe buýt nội đô thấp.

Ở HN hoặc tpHCM, để đi từ điểm này đến điểm khác thường có nhiều con đường khác nhau. Khi thời gian dư giả không quá gấp gáp, hãy đi những đường nhỏ “chỉ xe máy với nhau”. Nếu bạn có bị ngã xe ở đó, chỉ bị thương chứ không đến nỗi bị xe ôtô cán.

Ví dụ như ở HN: thay vì đi đường Láng, có thể đi đường Nguyên Hồng + Thái Thịnh, thay vì đi Kim Mã, đi Lê Hồng Phong + Đội Cấn. Thay vì đi Xuân Thủy – Cầu Giấy, đi Nguyễn Khánh Toàn + Nguyễn Phong Sắc…

5. Không đi vào sườn ôtô khi nó vào khúc cua

Ôtô dài hơn xe máy rất nhiều, nên khi vào cua, thân xe càng dài càng tạo biên độ gạt rất rộng. Bạn cứ tưởng tượng bánh sau ôtô là tâm quay, và khi ôtô quay vòng nó như cái compa đang quay vậy.

Khi tôi lái ôtô qua khúc cua, nhiều khi phải phanh đứng hẳn xe lại vì có xe máy bon chen vào sườn. Nếu không nhìn gương, xe sẽ quệt vào xe máy và họ sẽ ngã vào gầm.

Rất tiếc đã có những vụ xe máy thì “vô tư không biết”, tài xế thì chủ quan khi cua không đá gương kiểm tra sườn xe, nên lại cán người như vụ Xe buýt số 32 cán chết 2 người ở trước cổng Rạp Xiếc TW khi rẽ qua khúc cua vào đường Trần Bình Trọng.

Người lái xe máy nên hiểu về đặc điểm này của ôtô khi rẽ, để tránh những rủi ro đáng tiếc.

II. Giảm thiểu tối đa nguy cơ bị ngã ra đường

1. Cầm lái chắc chắn bằng cả 2 tay

Có nhiều người đặc biệt là chị em tay yếu nhưng hay có thói quen đi xe máy 1 tay. Nhớ nắm hơi chặt một tý. Có lần chính tôi bị va quệt với một xe khác (họ va vào tôi) nhưng nhờ cầm tay lái rất chắc nên không bị mất lái và không bị ngã.

Tuyệt đối tránh vừa nghe điện thoại vừa đi xe máy! Khi có điện thoại xi nhan xin đường rồi nhìn gương phải, vào từ từ, dừng xe sát lề, nghe điện thoại đàng hoàng. Nếu đường đông quá hoặc không tiện thì mặc kệ, không nghe, khi nào có cơ hội hãy dừng xe xem ai gọi lỡ, quan trọng thì gọi lại. Không vì 1 phút mà chậm cả đời.

2. Không đi song song với xe máy khác

Đây là thói quen xấu và rất phổ biến ở VN. Nhưng mức độ nghiêm trọng của nó nhiều người không nhận ra hoặc cố tình không hiểu. Cảnh này thường xuyên diễn ra với xe máy đi nội thành và xe đạp ở quốc lộ (giờ hs tan học thậm chí đi hàng 5 hàng 6 trên quốc lộ!)

Không đi song song và nói chuyện với xe máy đi cùng. Không những mất tập trung lái, đi chậm cản trở giao thông, chính người đi hàng đôi hàng ba cũng dễ bị xe cán do đi ra gần giữa tim đường. Bạn còn làm những người khác nguy hiểm vì họ phải vượt bạn trong khi xe máy đi hàng đôi hàng 3 chiếm gần hết làn đường bên phải. Hơn nữa, bạn đang góp phần làm tắc đường.

Tôi tin rằng nếu vì bạn đi hàng đôi hàng 3 và vì va quệt với bạn mà có ai đó bị ngã ra đường xe khác cán thì bạn sẽ thấy ân hận cả đời không thanh thản.

Hãy là những người văn minh. Bạn có thể tụ tập tìm một quán cafe’, buôn chuyện chán chê mê mỏi rồi lúc về thì nên bám đuôi nhau về, tập trung lái xe máy an toàn, không đi hàng đôi hàng 3. Nếu cảm thấy cần nói chuyện thì dừng xe nói chán đi rồi đi tiếp.

Thói quen xấu và nguy hiểm này rất phổ biến ở VN và khó có thể thay đổi một sớm một chiều! Người ta tặc lưỡi vì “tôi thấy ai cũng làm thế”, rất thiếu ý thức.

3. Nhìn gương chiếu hậu

Gương chiếu hậu cần lắp đủ cả 2 bên để sử dụng thường xuyên chứ không phải để đối phó với CSGT. Có rất nhiều chị em để gương bên trái để nhìn đường và gương phải để… soi lên mặt. Vốn là người lái ôtô nên tôi cảm thấy như mù dở nếu vớ phải cái xe máy nào không gương. Không chịu nổi cảm giác ra đường và không biết chuyện gì đang diễn ra sau lưng! =))

Khi đi xe máy cần phải có thói quen nhìn gương chiếu hậu thường xuyên, cứ vài giây lại phải liếc qua một lần. Phải nhìn cả gương trái hoặc gương phải. Cố gắng nhớ thông tin về các xe ở đằng sau: có ôtô không, nếu có xe ôtô thì nó có đi nhanh không, sắp tới gần mình chưa, có xe máy đang vượt bên trái, đang vượt bên phải mình không…

Từ những thông tin qua gương chiếu hậu, bạn sẽ có những phản ứng phù hợp. Nếu bạn nhìn thấy một xe ôtô lớn đang ở đằng sau di chuyển với tốc độ khá cao cần chủ động dẹp vào lề và cho xe đó vượt qua.

Khi bạn định vượt xe khác thì phải nhìn gương chiếu hậu xem có xe khác cũng đang nhăm nhe vượt bạn không để tránh va chạm.

Đang đi gặp chướng ngại vật thì không được đánh lái ra ngoài để tránh, việc đầu tiên phải phanh, cùng lúc nhìn gương chiếu hậu và ngoái đầu (gương chiếu hậu có điểm mù không hoàn toàn bao quát được hết) xem có xe đằng sau đang vượt mình không. Nếu cứ thế đánh lái ra ngoài mà tránh, gặp ôtô thì bạn bị cán chết, gặp xe máy thì cả hai ngã ra đường, sau đó xe khác cán cả 2 bạn.

4. Phanh đúng cách

Có trường hợp không va chạm với ai tự ngã ra đường, đặc biệt là với xe máy có phanh đĩa ở bánh trước. Nguyên nhân thường do phanh chưa đúng kỹ thuật hoặc đĩa hoặc má phanh không tốt dẫn tới bó bánh và trượt ngã.

a. Bảo dưỡng, điều chỉnh má phanh (trước và sau)

Thường xuyên đảm bảo phanh được chỉnh đúng để không bị bó cứng bánh. Cảm nhận khi phanh khoảng 30% biên độ thì má phanh bắt đầu bám và không bị khóa cứng bánh là ổn. Đừng để hơi mớm đã ăn là không tốt, dễ giật mình và bóp quá lực. Nên chọn má phanh chính hãng sẽ giúp phanh trượt đều trên bề mặt đĩa không bị bó khóa cứng bánh (mút phanh)

b. Động tác phanh tay:

Khi đang cầm lái thì nắm bằng cả bàn tay vào tay lái, không xòe 2 hoặc 3 ngón đặt hờ lên tay phanh như nhiều người thường làm. Cầm lái như thế không chắc tay lái.

Khi nào cần phanh, đưa cả bàn tay xòe ra bóp phanh với lực vừa phải. Lực phân bố rất đều và rất có cảm giác tay nhờ bóp phanh bằng cả bàn tay. Những ai đặt hờ 2 ngón khi phanh thường bị thiếu lực nên phanh không hiệu quả và không có nhiều cảm giác tay.

Ai đó sẽ thắc mắc, sao không đặt hờ sẵn 2 hoặc 3 ngón hoặc cả bàn tay lên tay phanh, khi cần phanh gấp phanh cho nhanh? Thời gian đưa bàn tay lên tay phanh chỉ một phần tích tắc, cũng giống như phanh ôtô. Lúc phanh gấp lái xe thả chân ga và đưa sang chân phanh, duy nhất một chân phải nhưng quản lý cả 2 pedals, hoặc ga hoặc phanh tại một thời điểm.

Xe máy cũng vậy, bạn không cần phải để hờ bất cứ ngón tay nào lên tay phanh, cứ nắm cả bàn vào tay lái thật chắc chắn. Phản xạ con người rất nhanh nên thời gian trễ là rất nhỏ, không đáng kể. Vấn đề chỉ là làm sao phanh có cảm giác tay và đừng để bị bó cứng bánh. Nếu bó cứng bánh phải nhả phanh ra rồi lại phanh tiếp đừng giữ chặt liên tục.

c. Phối hợp phanh chân và phanh tay:

Phối hợp phanh chân và phanh tay rất quan trọng. Nó giúp giảm thiểu quãng đường phải phanh rất đáng kể so với việc chỉ phanh 1 bánh trước hoặc sau. Ngoài ra, nguy cơ bị trượt ngã cũng giảm rất rất nhiều.

Khi cần phanh bạn phối hợp cả tay và chân cùng lúc, nhưng lực phanh trước chiếm khoảng 70%, bánh sau chỉ 30%. Khi phanh trọng tâm bị dồn về bánh trước rất nhiều, nên bánh sau giảm độ bám đường và dễ bị trượt quay ngang xe. Do đó, khi phanh phải giữ thân xe và tay lái thẳng tuyệt đối.

Cái này phải luyện nhiều, lúc đầu luôn tự nhắc mình khi phanh phải dùng cả chân và tay cùng lúc, sau một thời gian tự nhiên thành phản xạ, cứ phanh là tay và chân động đậy, tự chúng phối hợp nhịp nhàng cùng lúc mà không phải nghĩ nữa.

Với những xe tay ga hiện đại thường có phanh phức hợp (Combo-Brake), chỉ cần bóp một tay phanh đã có lực phanh phân bổ tự động lên cả 2 bánh trước sau. Tuy nhiên, số lượng xe không có Combo-Brake vẫn chiếm đa số.

d. Tuyệt đối không được phanh và đánh lái cùng một lúc

Khi bất ngờ gặp chướng ngại vật, không được đánh lái và phanh cùng lúc. Trước hết cần bình tĩnh phối hợp phanh chân tay để giảm tốc độ, nếu cần đánh lái để tránh thì phải nhả hoàn toàn phanh rồi tránh. Các quái xế hay đua xe biết rõ nguyên tắc này lắm! 😀

Đang cua mà bạn phanh gấp thì 99% bạn đo đường. Khi đang cua bánh xe rất dễ bị trượt, do đó, nếu cua tránh được thì cố gắng cua và không phanh, nếu xác định không thể cua tránh được chướng ngại vật thì việc đầu tiên phải giữ thẳng lái, giữ thẳng xe (khi cua chúng ta thường hay nghiêng xe để tăng độ bám đường nhưng lúc này cần dựng thẳng xe lên) rồi phanh bằng cả bánh trước và sau.

Chính tôi cách đây khá lâu rồi đi xe máy trời mùa đông mưa phùn đường nhão nhoét như trải mỡ. Đang đi 45km/h (đường qua Hà Đông lên Hòa Bình) mặt đường khá rộng. Đột nhiên có một xe máy khác cùng chiều phía bên trái tôi vượt lên tạt qua cắt mặt rẽ phải vào đường nhánh.

Theo phản xạ tôi ngả xe ôm cua rẽ theo họ để tránh va chạm, khoảng cách ngày càng gần, tôi biết không thể cua theo nổi, lập tức chuyển lại tư thế, giữ thẳng xe, thẳng lái, hướng thẳng vào xe họ, phanh phối hợp cả phanh tay và chân, phanh đĩa ướt trượt nên tôi vẫn va chạm vào xe của gã thanh niên kia. Tuy nhiên nhờ giữ thẳng lái và phối hợp phanh tốt nên may mắn lúc va chạm tốc độ chỉ còn 5km/h nên cuối cùng không ai ngã cả. Cả 4 người đều bình an (xe tôi 2 người, xe gã kia cũng 2 người). Tôi đã rất sợ, nếu xử lý không tốt để ngã xe thì sẽ rất nặng nề với vận tốc 45km/h…

5. Lái xe máy như lái ôtô

– Cố gắng không chuyển làn đột ngột, phải có xi nhan khi muốn chuyển làn, nhìn gương và ngoái đầu (gương có điểm mù không nhìn hết phía sau được) rồi từ từ chuyển làn.

– Đi đúng làn đường, không bon chen vào làn ôtô.

– Có rất nhiều người đi xe máy cứ đèn là… pha. Họ không quan tâm khi nào thì dùng cos khi nào dùng pha (chiếu xa chiếu gần). Mấy ông xe máy tay ga toàn đèn siêu sáng, bật pha xa chiếu thẳng vào mắt nhau. Đi trong nội thành thì phải cụp cái pha xuống, hãy lái xe một cách văn minh.

– Đi đêm gặp xe ôtô để pha xa chói không nhìn thấy gì bạn cần chuyển chế độ pha và cos liên tục (chuyển đèn chiếu xa gần) để nháy đèn vào mắt gã lái xe “láo và vô ý thức”. Có thể họ sẽ cụp pha xuống và hắn nghĩ “chắc thằng xe máy là tài xế nên mới ra hiệu kiểu như vậy” 🙂

Đó chính là cách lái xe chúng tôi ra hiệu nhắc nhở xe ôtô ngược chiều không chịu cụp pha xuống. Xe máy cũng có thể làm vậy nếu ôtô ngược chiều quên hoặc cố tình quên! Bản thân tôi khi lái ôtô gặp xe máy tôi cũng cụp pha xuống, vì tôi biết cái cảm giác bị pha ôtô chói nó kinh hãi như thế nào, hoàn toàn mù đặc và mất phương hướng.

Tuy nhiên, vẫn không ít người lái xe thiếu ý thức, họ chỉ cụp pha khi gặp ôtô chứ xe máy họ lờ lơ lơ. Gặp trường hợp này thì chịu.

Quá dài rồi, tôi xin dừng bút ở đây.

———–

Bạn vừa được sếp tăng lương, bạn vừa lấy vợ, bạn vừa mua nhà, bạn vừa đỗ ĐH hay bạn chuẩn bị du lịch châu Âu… cuộc sống còn quá nhiều điều tươi đẹp, vậy mà tất cả có thể chấm hết khi bạn hoặc người thân bị tai nạn.

Bản thân tôi đã được trải nghiệm cuộc sống ở châu Âu, ở đó từ trẻ tới già đều rất có ý thức tự bảo vệ bản thân. Họ không có những hành vi giao thông mạo hiểm như ở VN, do đó số vụ và thiệt hại từ TNGT của họ rất nhỏ so với VN chúng ta.

Hãy cùng nhau hành động để thay đổi, đừng ra đường và cầu mong mình không gặp nạn. Những người lái xe máy: Hãy ra đường với một tầm nhìn mới! Luôn đội mũ bảo hiểm!

Chúc mọi người thượng lộ bình an.

Công ty Luật Dragon (sưu tầm)

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn