Nhận diện tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Bộ luật hình sự năm 2015

1405

Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự mới). So với Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự cũ) và Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự 2015) thì có nhiều thay đổi quan trọng về kết cấu điều luật, khung hình phạt, mức hình phạt liên quan. Chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc kết quả so sánh các điều luật, nhận diện sự thay đổi giữa Bộ luật hình sự mới và Bộ luật hình sự cũ, đồng thời xác định một số vấn đề phát sinh liên quan nhằm giúp người đọc tiếp cận quy định của pháp luật và cùng trao đổi, góp ý xây dựng pháp luật.

I. So sánh các điều luật:

Chúng tôi trích dẫn từng điều luật, những nội dung bị gạch giữa là các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 bị sửa đổi, bổ sung năm 2017; những nội dung được in đậm là các quy định của Bộ luật hình sự mới thay đổi so với quy định của Bộ luật hình sự cũ:

– Điều 202 Bộ luật hình sự cũ: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

– Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ  có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

– Điều 260 Bộ luật hình sự mới: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

II. Nhiện diện sự thay đổi:

1. Về kết cấu của điều luật:

Điều 260 Bộ luật hình sự mới được xây dựng với kết cấu gồm 05 khung hình phạt. Trong đó khung hình phạt cơ bản thuộc khoản 1, khung hình phạt dành cho trường hợp phạm tội chưa đạt thuộc khoản 4 và khung hình phạt quy định về áp dụng biện pháp tư pháp ở khoản 5. Ở Bộ luật hình sự cũ, tình tiết định khung tăng nặng được phân thành các điểm ở khoản 2, các khoản còn lại không có điểm mà chỉ quy định điều kiện để áp dụng khung hình phạt nặng hơn. Điều 260 Bộ luật hình sự mới có 03 khung hình phạt, quy đinh các điểm (tình tiết) định khung, trong đó khoản 2 Điều 260 là có số tình tiết định khung nhiều nhất (7 điểm, từ điểm a đến điểm g), khoản 1 có 04 điểm và khoản 3 có 03 điểm. So với Điều 202 Bộ luật hình sự cũ thì số khung hình phạt của Điều 260 Bộ luật hình sự mới không thay đổi, nhưng so với Bộ luật hình sự 2015 thì số khung hình phạt ở Bộ luật hình sự mới giảm hơn 01 khung hình phạt.

Ngoài ra, điều luật mới thay đổi từ điều khiển giao thông thành từ tham gia giao thông. Đây là sự sửa đổi phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ, đồng thời bao quát được các đối tượng vi phạm quy định do Luật giao thông đường bộ điều chỉnh (không chỉ có người điều khiển phương tiện).

2. Về mức hậu quả cấu thành tội phạm và mức hình phạt:

2.1. Về mức hậu quả cấu thành tội phạm:

Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ (hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013) quy định mức hậu quả do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra bị truy cứu trách nhiệm hình sự là:

– Gây thương tích cho một người từ 31% trở lên;

– Hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

– Hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

So với quy định của Điều 202 của Bộ luật hình sự cũ thì Điều 260 Bộ luật hình sự mới đã thay đổi quy định về mức độ hậu quả do vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm cơ sở để quy kết trách nhiệm hình sự. Cụ thể là gây ra một trong các hậu quả sau đây mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

 Làm chết người;

 Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Theo đó, điều luật mới loại bỏ mức độ hậu quả gây tổn thương cơ thể của 01 người dưới 61%, loại bỏ mức độ hậu quả tổn thương cơ thể của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61% và loại bỏ mức độ thiệt hại vật chất dưới 100.000.000 đồng làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Đồng thời điều luật mới cũng loại bỏ quy định cộng chung mức độ thiệt hại kép về sức khỏe con người và vật chất như quy định ở điều luật cũ. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là, khi chưa có thiệt hại xảy ra thì người vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 của Điều 260 Bộ luật hình sự mới.

2.2. Về hình phạt:

Điều 260 Bộ luật hình sự mới quy định hình phạt thấp nhất trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra là phạt tiền 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù 01 năm; hình phạt cao nhất là phạt tù đến 15 năm. Như vậy, so với quy định của Điều 202 Bộ luật hình sự cũ thì mức hình phạt thấp nhất về phạt tiền (là hình phạt chính) tăng lên gấp 6 lần (từ 5.000.000 đồng lên 30.000.000 đồng) nhưng mức hình phạt cao nhất về hình phạt tù có thời hạn không thay đổi. Nhìn tổng thể về phần hình phạt thì quy định của Điều 260 Bộ luật hình sự mới so với quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự cũ là không có lợi cho người phạm tội đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018. Nhưng ở khía cạnh các yếu tố cấu thành tội phạm (trong chuyên ngành chúng ta gọi là khung cơ bản) thì Điều 260 Bộ luật hình sự mới quy định có lợi hơn cho người phạm tội so với Điều 202 Bộ luật hình sự cũ (kể cả trường hợp tội phạm chưa đạt – khoản 4). Do vậy, nếu xem xét mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra liên quan đến tội phạm này ở góc độ có tội hay không có tội thì căn cứ vào Điều 260 Bộ luật hình sự mới, nếu xem xét để quyết định hình phạt của bị cáo (trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm) thì áp dụng Điều 202 Bộ luật hình sự cũ đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới thì Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sựĐối chiếu quy định này với khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thì mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt này là 05 năm tù, người phạm tội nếu bị xét xử ở khung hình phạt này thì thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng và lỗi do vô ý. Theo đó, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thì có thể họ được miễn trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội mà chúng ta cần phải chú ý khi áp dụng pháp luật đối với những hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm này.

3. Những nội dung thay đổi ở từng khung hình phạt;

3.1. Về khoản 1 của điều luật:

Về kết cấu, khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ không phân định các tình tiết định khung cơ bản, chỉ xác định mức độ hậu quả để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ là “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác”, mức độ hậu quả này được hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật sau đây:

– Tiểu mục 4.1. Mục 4 Nghị quyết 02/2003/NQ – HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự quy định: “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

a. Làm chết một người;

b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.

– Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC -TANDTC hướng dẫn tại Điều Anchor2 là: “Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết một người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”

Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thiết theo hướng xác định cụ thể định mức thấp nhất hậu quả thiệt hại làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gồm 04 mức tương ứng tại các điểm a, b, c, d khoản 1. Trong đó, điểm a là quy định về hậu quả xâm phạm tính mạng con người, điểm b, c quy định về hậu quả xâm phạm sức khỏe con người và điểm d là quy định hậu quả xâm phạm tài sản của người khác.

Đối chiếu quy định tại 4 điểm trong khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới với hướng dẫn tại các văn bản dưới luật đã viện dẫn trên thì thấy, điểm a và điểm d của điều luật mới là quy định pháp điển hóa hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC. Trong đó mức độ hậu quả tại điểm a được giữ nguyên (làm chết người), mức độ hậu quả tại điểm d được giữ nguyên phần thiệt hại tài sản cao nhất (dưới 500.000.000 đồng), sửa đổi phần thiệt hại tài sản thấp nhất (từ 70.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng).

Hai tình tiết định khung cơ bản còn lại quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới cũng được phiên từ hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC nhưng mức độ thiệt hại về sức khỏe con người có thay đổi theo hướng tỷ lệ tổn thương cơ thể một người bị tổn hại dưới 61% thì không truy cứu trách nhiệm hình sự và tỷ lệ tổn thương cơ thể của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ dưới 61% cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một thay đổi nữa trong khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới là mức hình phạt. Trong đó mức khởi điểm của hình phạt tiền tăng lên gấp 6 lần, mức cao nhất của phạt tiền tăng gấp 02 lần (từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng); giữ nguyên mức hình phạt cải tạo không giam giữ; tăng mức khởi điểm của hình phạt tù có thời hạn từ 06 tháng lên 01 năm.

Cũng cần quan tâm là, các quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới so với khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 thì những nội dung cụ thể tại các điểm a, b, c đều bị sửa đổi, chỉ giữ nguyên quy định tại điểm d.

3.2. Về khoản 2 của điều luật:

Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới được thiết kế theo mô tip của khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ nhưng bổ sung thêm 03 tình tiết định khung tăng nặng với phương pháp liệt kê cụ thể quy định “gây hậu quả rất nghiêm trọng” theo điểm đ Điều 202 Bộ luật hình sự cũ thành 03 tình tiết tại các điểm đ, e, g khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới. Mức độ hậu quả thiệt hại được ấn định ở các điểm đ, e, g khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới về bản chất là sự pháp điển hóa hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC. Trong đó, điểm  đ, g khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới là quy định giữ nguyên nội dung của các điểm a, e khoản 2 Điều 2 của Thông tư liên tịch 09/2013; còn lại mức độ hậu quả xâm hại sức khỏe của người khác quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới không giống với bất kỳ hướng dẫn nào tại các điểm còn lại thuộc khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2013, chỉ có một nội dung giống nhau mang tính nguyên tắc là tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người (từ 02 người trở lên) trên 200% thì sẽ bị truy cứu trách hiệm hình sự ở khoản cao hơn (mức cũ theo Thông tư là từ 100% đến 200%, mức theo điều luật mới là từ 122% đến 200%).

Ngoài ra, hai tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại các điểm b và c của khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ được sửa đổi một số nội dung nhỏ tại quy định tương ứng của Điều 260 Bộ luật hình sự mới. Cụ thể, nội dung điểm b khoản 2 Điều 260 có thêm tình tiết “có sử dụng chất ma túy” vào trước cụm từ “hoặc các chất kích thích mạnh khác”; nội dung quy định tại điểm c đã loại bỏ cụm từ “gây tại nạn rồi” của quy định cũ – theo quy định cũ thì cụm từ “gây tai nạn rồi” này không có ý nghĩa thực tiễn cao vì bản chất điều luật đang điều chỉnh hành vi vi phạm luật giao thông đương bộ gây tai nạn hoặc có nguy cơ rõ ràng gây tai nạn với một mức độ hậu quả được ấn định cụ thể.

So với khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 thì khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới có thay đổi 03 nội dung tại các điểm c, e, g.

3.3. Về khoản 3 của điều luật:

Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự mới được thiết kế với 03 tình tiết định khung tăng nặng. Cách diễn đạt này có khác so với khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ nhưng về bản chất thì những tình tiết định khung quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự mới là cách thức diễn giải chi tiết yếu tố định khung của khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Trong đó, điểm a và điểm c khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự mới là việc pháp điển hóa toàn bộ nội dung quy định tại điểm a, điểm g khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC. Riêng điểm b khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thì có thay đổi về mức độ hậu quả so với các điểm còn lại b, c, d, đ, e khoản 3 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC.

So với quy định tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, thì quy định mới (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bỏ 01 tình tiết định khung tăng nặng tại điểm b khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (từ 4 tình tiết định khung sửa thành 3 tình tiết định khung).

3.4. Về khoản 4 của điều luật:

Khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự mới có ba nội dung thay đổi quan trọng so với khoản 4 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ.

Thứ nhất, nếu quy định về hậu quả có thể xảy ra tại khoản 4 Điều 202 của Bộ luật hình sự cũ là “đặc biệt nghiêm trọng” thì khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự mới liệt kê rõ các hậu quả có thể xảy ra thuộc các điểm a, b, c ở khoản 3 của điều luật này;

Thứ hai, khoản 4 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ không có hình phạt tiền, khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự mới quy định hình phạt tiền là hình phạt chính với mức từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

Thứ ba, mức cao nhất tại khung hình phạt tù có thời hạn ở khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thấp hơn khoản 4 Điều 202 Bộ luật hình sự cũ 01 năm tù (mới là từ 03 tháng đến 01 năm; cũ là từ 03 tháng đến 02 năm);

Bộ luật hình sự mới bỏ khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, chuyển khoản 5 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 thành khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự mới và có sửa lại một số cụm từ cho phù hợp. Trong đó, có nội dung thay đổi chủ yếu là: Sửa đổi quy định “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác” thành qui định “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này;

III. Một số vấn đề phát sinh và kiến nghị, đề xuất

1. Một số nội dung cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành:

– Điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới bổ sung nội dung “có sử dụng chất ma túy” là tình tiết định khung tăng nặng. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống hiện nay cho thấy có rất nhiều loại ma túy, các chất tương tự như ma túy được sử dung tràn lan trong xã hội như: Methammethamine, herroin, cần sa, cỏ Mỹ, bù đà….Trong khi đó, khi các vụ tai nạn giao thông xảy ra, đối với trường hợp người gây tai nạn giao thông, người bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở y tế để cấp cữu thì chưa có cơ sở y tế nào được giao nhiệm vụ tổ chức xét nghiệm ma túy của người được đưa vào cấp cứu, hiện chỉ làm được việc đo nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở. Trường hợp người gây tai nạn đến trình diện tại cơ quan công an có thẩm quyền thì việc tex nhanh có sử dụng ma túy hay không chưa được văn bản pháp luật hướng dẫn trong trường hợp đối với tai nạn giao thông. Thời gian có hiệu lực của Bộ luật hình sự mới đã cận kề, nên chắc chắn nếu không có quy định, hướng dẫn cụ thể việc này sẽ gây ra sự lúng túng trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là tình trạng thanh thiếu niên ngáo đá, điều khiển xe đua nhau trên đường phố diễn ra phổ biến như hiện nay.

– Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới quy định về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Trong đó, trường hợp bị cáo bị xét xử theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng từ khi Bộ luật hình sự mới được công bố theo Nghị quyết 41/2017/NQ – QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn trường hợp bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự thì vấn đề xử lý giấy phép lái xe có đặt ra không, có tước giấy phép lái xe có thời hạn không? Vấn đề án phí hình sự sơ thẩm sẽ xử lý như thế nào?. Điều này thực tiễn đã gây lúng túng cho công tác xét xử các vụ án vi phạm quy định luật giao thông đường bộ từ ngày Bộ luật hình sự mới được công bố đến nay.

2. Một số vấn đề vướng mắc phát sinh:

– Nghị định số 46/2016/NĐ – CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định rất rõ về điều kiện, trường hợp bị tịch thu giấy phép lái xe có thời hạn. Thế nhưng trong trường hợp người vi phạm pháp luật giao thông đường bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Điều 202 Bộ luật hình sự cũ, Điều 260 Bộ luật hình sự mới không đề cập đến. Khoản 5 của các điều luật này quy định về “cấm đảm nhiệm chức vụ”. “cấm hành nghề”, “hoặc làm công việc nhất định”….Do vậy, thưc tiễn xét xử cho thấy mặc dù hậu quả vụ tai nạn xảy ra nghiêm trọng, người gây tai nạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cho hưởng án treo hoặc được áp dụng hình phạt không phải tù có thời hạn thì đa số các bản án đều tuyên trả lại giấy phép lái xe cho bị cáo, nhất là các bị cáo lái xe moto. Quyết định như vậy vô hình chung xử lý trách nhiệm của người lái xe vi phạm pháp luật hình sự không nghiêm khi so sánh với người lái xe vi phạm pháp luật hành chính bị tước bằng lái có thời hạn.

– Điều 2 và Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC quy định rất chi tiết các mức hậu quả đển xác định trường hợp nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có sự tổng hợp giữa hậu quả tính mạng, sức khỏe con người với hậu quả về vật chất; và cũng có sự tổng hợp giữa hậu quả vừa liên quan đến tính mạng con người, vừa liên quan đến sức khỏe con người. Hướng dẫn này phần nào đã tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn áp dụng, đảm vảo các vụ việc với từng mức độ hậu quả gây ra khác nhau được xét xử công bằng hơn. Thế nhưng, Điều 260 Bộ luật hình sự mới đã không sử dụng hết các nội dung được hướng dẫn theo cách tính thiệt hại của Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BCA – BQP – BTP – VKSNDTC – TANDTC, dẫn đến trên thực tiễn sẽ có nhiều trường hợp chênh nhau về mức độ chịu trách nhiệm hình sự, làm ảnh hưởng đến yếu tố công bằng khi xét xử.

Ví dụ: A lái xe vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây tai nạn làm chết người và gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 120%, gây thiệt hại về tài sản 450.000.000 đồng. Theo đó, A bị xét xử theo các điểm a, c, d khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới. Trong trường hợp vụ án đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới thì có thể A được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó B cũng lái xe vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây hậu quả tổn hại sức khỏe cho 02 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 130% thì nhất định B bị xét xử theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới và không được phép miễn trách nhiệm hình sự đối với B theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới.

So sánh hai mức độ hậu quả của A và B gây ra và hai mức độ trách nhiệm hình sự A và B có thể bị áp dụng sẽ thấy rất rõ sự không công bằng, thiếu sức thuyết phục khi áp dụng quy định của Điều 260 vào thực tiễn.

– Tình tiết định khung tăng nặng quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới không được quy định ở khoản 3 của Điều luật này (kèm theo điều kiện gây ra hậu quả thuộc các điểm đ, e, g khoản 2 Điều 260). Điều đó sẽ tạo ra sự mất công bằng khi một người tham gia giao thông vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ, gây ra hậu quả thuộc khoản 1 nhưng vì thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 nên bị xét xử theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới. Tương tự như vậy, một người tham gia giao thông vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây ra mức hậu quả ở khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới (chết 2 người), và họ thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới thì cũng chỉ xét xử họ ở khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới (mặc dù biết rằng khi xét xử, hình phạt của người bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng bao giờ cũng cao hơn, nhưng điều này chỉ nhìn thấy rõ và thực hiện được nếu các bị cáo cùng xét xử trong một vụ án hoặc tại cùng một Tòa án).

Ví dụ: A không có giấy phép lái xe hợp lệ, lái xe vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây hậu quả chết 01 người. A bị xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới với khung hình phạt tù tư 03 năm đến 10 năm.

B cũng không có giấy phép lái xe, lái xe trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định, vi phạm luật giao thông đường bộ, gây hậu quả chết 02 người. B cũng chỉ bị xét xử theo các điểm a, b, đ khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới với khung hình phạt từ 03 năm tù đến 10 năm tù.

3. Một số kiến nghị, đề xuất:

– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn những điểm mới quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự mới về điều kiện, thủ tục áp dụng tình tiết “có sử dụng ma túy…” và những nội dung liên quan đến việc áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự mới miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo phạm tội theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới, trong đó cần chú ý vấn đề xử lý vật chứng liên quan đến giấy phép lái xe (cả cho trường hợp miễn trách nhiệm hình sự lẫn trường hợp không áp dụng hình phạt tù có thời hạn), vấn đề án phí hình sự đối với bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự.

– Tòa án nhân dân tối cao cần sớm tổng kết thực tiễn thi hành Điều 260 Bộ luật hình sự mới trong năm 2018 và xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung các tình tiết định khung hình phạt mới như: Tình tiết định khung mới ở khoản 3 được tính từ sự tổng hợp một trong các điểm a, b, c, đ khoản 2 với mức độ hây hậu quả rất nghiêm trọng ở các điểm d, e, g khoản 2; tình tiết định khung mới ở khoản 2 được tính từ sự tổng hợp vừa hậu quả về tính mạng, sức khỏe con người với mức hậu quả về thiệt hại vật chất theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự mới (tương tự như vậy thì xây dựng thêm tình tiết định khung mới ở khoản 3 Điều 260).

Ví dụ 1: Làm chết 01 người và gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu thì bị xét xử theo khoản 2; làm chết 02 người và gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ rưỡi thì xét xử theo khoản 3…

Ví dụ 2: Gây chết 02 người và không có giấy phép lái xe hợp lệ thì bị xét xử theo khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự mới…

Trên đây là kết quả nhận diện sự thay đổi của tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự mới so với Điều 202 Bộ luật hình sự cũ và nêu lên một số vấn đề vướng mắc, đề xuất để góp phần hoàn thiện pháp luật, mong nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguyễn Văn Dũng – Phó Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

=======================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI


CÔNG TY LUẬT DRAGON


Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long


Tư vấn và cung cấp dịch vụ
Mức xử phạt các lỗi
Cấp lại giấy phép lái xe
Cấp lại biển số xe
Trách nhiệm khi gây tai nạn
Sang tên đổi chủ phương tiện
Khiếu nại - Khiếu kiện CSGT
Tư vấn bảo hiểm xe
Tư vấn pháp lý chủ tàu thuyền vi phạm
Cấp phù hiệu xe

Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.


Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội


Tổng đài: 1900 599 979 


Hotline: 098.301.9109


Email: dragonlawfirm@gmail.com

Hệ thống Website:


www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.giaothongvietnam.vn