Quy tắc câu bình ắc-quy lái xe Việt cần biết cho những chuyến đi xa

795

Đấu nối ắc-quy là một trong những kiến thức mà lái xe ô tô nên trang bị để dùng trong trường hợp xe gặp sự cố, đặc biệt trên những chuyến đi dài, những hành trình xa.

Hết điện ắc-quy là tình huống mà lái xe nào cũng nguy cơ gặp phải và điều này có thể trở thành “ác mộng” đối với những người chưa có kinh nghiệm. Lúc này, ô tô sẽ không thể khởi động được hoặc thậm chí toàn bộ hệ thống điện trên ô tô ngừng hoạt động.

Quy tắc câu bình ắc-quy lái xe Việt cần biết cho những chuyến đi xa - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Trong trường hợp ắc-quy hết điện giữa đường, tài xế có thể gọi cứu hộ. Tuy nhiên, phương án này thường tốn nhiều thời gian và chi phí. Chính vì vậy, biện pháp câu bình ắc-quy giúp tài xế có thể khởi động được xe và di chuyển xe đến xưởng dịch vụ gần nhất.

Khi lái xe, tài xế nên mua sẵn bộ dây câu bình và để sẵn trong xe phòng trường hợp khẩn cấp. Nó thường gồm hai sợi riêng biệt với kẹp ở mỗi đầu, trong đó dây màu đỏ thường được quy ước để nối cọc dương (+), dây màu đen để nối cọc âm (-).

Quy tắc câu bình ắc-quy lái xe Việt cần biết cho những chuyến đi xa - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Nên chọn dây có bằng đồng, tiết diện lõi lớn chứ đừng chỉ nhìn mỗi vẻ bề ngoài. Phần kẹp chắc chắn, chuôi có lớp cách điện cẩn thận. Độ dài dây câu bình nên khoảng 2 mét để thuận tiện thao tác.

Khi ắc-quy của xe bị chết, tài xế có thể vẫy những xe bên đường để nhờ hỗ trợ câu bình. Một số lái xe taxi cũng sẵn sàng trợ giúp trong tình huống này, với chi phí chỉ như một lời cảm ơn. Các bước thực hiện như sau:

Đỗ hai xe gần nhau

Đỗ xe thứ hai đối diện xe cần câu bình nhưng không quá sát, khoảng cách đủ để dây cáp có thể chạm tới. Hầu hết các xe có ắc-quy đặt ở khoang động cơ, một số xe ở phía sau cốp. Mở nắp ca-pô của hai xe lên và xác định vị trí của ắc-quy.

Xác định cực ắc-quy

Cần xác định vị trí cực dương và cực âm của ắc-quy sắp kết nối. Thông thường, cực dương sẽ to hơn và có ký hiệu dấu (+), có thể được phân biệt bằng nắp màu đỏ. Trong khi đó, cực âm nhỏ hơn và ký hiệu dấu (-), có thể nắp màu đen hoặc không có nắp.

Quy tắc câu bình ắc-quy lái xe Việt cần biết cho những chuyến đi xa - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Để đảm bảo tiếp xúc tốt, có thể lau chùi, vệ sinh các đầu điện cực của ắc-quy. Ngoài ra, cũng cần chú ý xem có dấu hiệu rò rỉ dầu hoặc xăng không để tránh chập điện. Đảm bảo ắc-quy không phồng, không chảy nước, không có dấu hiệu bất thường.

Đấu cáp với cực ắc-quy

Dùng một đầu kẹp của dây câu màu đỏ nối với cực dương (+) của ắc-quy bị hết điện. Đầu kẹp còn lại nối với cực dương (+) trên xe cứu hộ. Khi thao tác, không để cho 2 đầu kẹp chạm vào nhau hoặc chạm vào thân xe vì có thể gây chập điện.

Quy tắc câu bình ắc-quy lái xe Việt cần biết cho những chuyến đi xa - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Tiếp theo, tài xế dùng dây màu đen nối với cực âm (-) trên xe cứu hộ, đầu dây màu đen còn lại kẹp vào một bộ phận kim loại không sơn trên xe bị hết điện ắc-quy. Cần thực hiện riêng lẻ từng dây câu một, dù mất thời gian nhưng tránh được việc nhầm lẫn gây  đoản mạch.

Khởi động lại xe

Nổ máy xe cứu hộ và để chạy không tải trong 2-3 phút. Sau đó, thử khởi động lại xe bị chết bình ắc-quy. Nếu xe không khởi động ngay lập tức, tắt chìa khóa và để xe cứu hộ tiếp tục chạy không tải trong 10-15 phút, sau đó thử lại.

Tháo dây câu bình

Sau khi xe cần cứu đã nổ máy, tiến hành tháo dây câu bình ngược so với lúc câu, tránh để dây tiếp xúc với nhau hay chạm vào vỏ xe, chạm đất. Tiếp tục để động cơ hoạt động trong 10-15 phút, không bật các thiết bị tiêu thụ điện để tập trung nạp vào ắc-quy.

Minh Vũ

Công ty luật Dragon – Ban tư vấn luật giao thông